Sự im lặng khó hiểu của Bộ VHTTDL

Cụ thể, ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt “Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020”, trong số 181 doanh nghiệp phải thoái vốn trong năm 2018, Vinasport thuộc diện phải chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và thực hiện thoái vốn trong năm.

Theo Kết luận thanh tra số 27/KL-TTCP ngày 1/2/2023 của Thanh tra Chính phủ, do chưa phê duyệt được giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, nên Bộ VHTTDL đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bàn giao nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại Vinasport sang SCIC.

Bộ VHTTDL có né báo chí?

Tìm hiểu về kết quả thực hiện kết luận thanh tra, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, cho biết, Thanh tra Bộ đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung liên quan và hứa sẽ cung cấp các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần liên hệ, PV Báo Thanh tra chưa được cung cấp tài liệu.

Đặt lịch làm việc với Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ông Lê Hồng Phong, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ VHTTDL đề nghị phóng viên liên hệ với Thứ trưởng Hồ An Phong. Phóng viên đặt lịch làm việc với Thứ trưởng Hồ An Phong (qua thư ký) thì được thông báo (sau 2 tuần chờ đợi) làm việc với Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính. 

SCIC đã xây dựng phương án tiếp nhận nguyên trạng và có đề xuất tại Văn bản số 984/ĐTKDV-ĐT4 ngày 12/5/2020, trong đó có nội dung: “Vinasport là công ty cổ phần, trong đó, Nhà nước là một cổ đông. Theo báo cáo đánh giá của Bộ VHTTDL, doanh nghiệp có nội bộ lãnh đạo và bộ phận người đại diện phần vốn Nhà nước mất đoàn kết, mâu thuẫn kéo dài, có nhiều đơn thư kêu cứu gửi các cấp có thẩm quyền. Do đó, để đạt được sự đồng thuận, tránh rủi ro khiếu kiện, vướng mắc khi tiếp nhận thoái vốn, SCIC kiến nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo cho người đại diện vốn có ý kiến với HĐQT Vinasport lấy ý kiến cổ đông để thống nhất số lượng và giá trị phần vốn đầu tư (theo mệnh giá) của cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp trước khi thực hiện chuyển giao”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã tổ chức cuộc họp với các bộ liên quan và có kết luận tại Thông báo số 364/TB-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất, rà soát hồ sơ pháp lý, phương án sử dụng các cơ sở nhà đất; đánh giá rõ thực trạng sử dụng, thời hạn hợp đồng, mục đích sử dụng đất của các cơ sở nhà đất…”, “… chỉ đạo người đại diện… thống nhất với các cổ đông hiện hữu về phương án tiếp nhận, xử lý phần vốn Nhà nước tại công ty, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp… không thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp…”.

Trước đó, ngày 29/6/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã ký ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Quyết định này thay thế cho Quyết định 1232/QĐ-TTg nêu ở trên. Vinasport tiếp tục được nhắc tên tại phụ lục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn theo phương án cụ thể.

“Tuy nhiên đến nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Vinasport sang SCIC” - kết luận thanh tra nêu, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTTDL “chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, giao Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL, xây dựng phương án bàn giao nguyên trạng vốn Nhà nước tại Vinasport sang SCIC thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban)”.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC đã triển khai những gì?

Báo Thanh tra đã có Văn bản số 175/BTT-PV4 ngày 23/04/2024 gửi Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tìm hiểu về việc chuyển giao nguyên trạng phần vốn Nhà nước tại Vinasport về SCIC theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Dù chúng tôi đề xuất buổi làm việc cách khá xa (ngày 16/5/2024) và phía Ủy ban 2 lần đề nghị hoãn để chuẩn bị tài liệu, nhưng tại buổi làm việc, phóng viên chỉ được cung cấp duy nhất Văn bản số 733/ĐTKDV-ĐT4 ngày 16/5/2024 của SCIC. Tại văn bản này, SCIC cho biết, ngày 24/3/2023 có Văn bản số 495/UBQLV-PCKS đề nghị Hội đồng Thành viên SCIC thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; các công việc mà SCIC đã triển khai là phát hành 3 văn bản gửi Bộ VHTTDL.

Thực tế, chỉ có Văn bản số 1100/ĐTKDV-ĐT4 ngày 26/5/2023, SCIC đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban, SCIC xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao nguyên trạng vốn Nhà nước tại Vinasport, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Còn Văn bản số 1998/ĐTKDV-ĐT4 ngày 9/10/2023 SCIC và 700/ĐTKDV-DT4 ngày 13/5/2024 SCIC gửi Bộ VHTTDL đề nghị Bộ VHTTDL rà soát, lập hồ sơ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC, là thực hiện theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022, không liên quan gì đến kiến nghị của Thanh tra Chính phủ hay chuyển giao tại Vinasport! 

Văn bản 733/ĐTKDV-ĐT4 của SCIC cũng không nêu việc Bộ VHTTDL có trả lời Văn bản số 1100/ĐTKDV-ĐT4 hay không; kết quả phối hợp như thế nào; có phát sinh khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình tổ chức thực hiện; có kiến nghị, đề xuất gì với các cơ quan có thẩm quyền hay không.  

Chuyển giao nguyên trạng, hiểu sao cho đúng?

Trao đổi với nhóm phóng viên Báo Thanh tra, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Công ty Luật TNHH AMP Legal, cho biết: Việc chuyển giao phần vốn Nhà nước được quy định rất chi tiết tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 9/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Quy chế). Theo đó, bàn giao nguyên trạng được hiểu là: Về tài sản khi bàn giao thì căn cứ trên hồ sơ kế toán, số liệu báo cáo tài chính quý, năm của doanh nghiệp được lập gần nhất với thời điểm chuyển giao trong thời hạn chuyển giao; về nhân sự, bàn giao nguyên trạng toàn bộ nhân sự bao gồm nhân sự là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có tại thời điểm chuyển giao.

leftcenterrightdel

 Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Công ty Luật TNHH AMP Legal. Ảnh: Hoàng Nam

Điểm 2, Điều 6 Quy chế nêu rõ quy định về thời hạn chuyển giao là chậm nhất trong 45 ngày kể từ ngày quyết định chuyển giao của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Trong trường hợp do điều kiện, hoàn cảnh khách quan về thay đổi quy định của Nhà nước nên công tác chuyển giao không thể thực hiện theo đúng thời hạn nêu trên, cơ quan chuyển giao kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian, nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày hết hạn chuyển giao nêu trên (Điểm 3, Điều 6 Quy chế).

“Tuy đã có chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Vinasport sang SCIC, nhưng đến thời điểm thanh tra (8/10/2021 đến ngày 25/11/2021) vẫn chưa được thực hiện, trách nhiệm này thuộc về ông bộ trưởng Bộ VHTTDL và thứ trưởng phụ trách lĩnh vực “đổi mới và phát triển doanh nghiệp” của Bộ VHTTDL” - ông Kiệm trích dẫn nội dung Kết luận thanh tra số 27.

Thực tế, Bộ VHTTDL không những không chủ động phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC và các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện chuyển giao như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, mà những người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport đang có những điều hành rất khó hiểu, gây khó khăn thêm cho việc chuyển giao phần vốn Nhà nước về SCIC. Cụ thể là tại đại hội cổ đông bất thường năm 2024 của Vinasport, những người đại diện phần vốn Nhà nước đã chủ trì, điều hành đại hội và đưa ra nhiều quyết định trái với Điều lệ của Vinasport, vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp. Với tỷ lệ biểu quyết áp đảo, những quyết nghị đó vẫn được thông qua, bất chấp ý kiến phản đối của một số cổ đông nhỏ lẻ. Điều này khiến cho tình hình khiếu kiện tại Vinasport vốn được nhận định là phức tạp, kéo dài, nay lại càng phức tạp hơn. 

Nhóm PV