Mục tiêu của dự án cung cấp nước tưới, tiêu cho 800ha đất canh tác cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho 4 xã trong huyện kết hợp làm chậm lũ sông Hoàng Long gắn với phát triển du lịch, nâng cấp giao thông nông thôn với các hạng mục chính: Sửa chữa, nâng cấp đập chính hồ Thường Xung cũ, xây dựng tuyến đập tràn 300m, xây dựng hai cống lấy nước dưới đập, xây dựng hệ thống tưới tiêu và các công trình trên kênh.

Đội vốn từ hơn 226 tỷ lên 675 tỷ đồng

Ngày 13/3/2011, tại Quyết định số 580/QĐ-UBND của UBND huyện Nho Quan, dự án có tổng mức đầu tư của công trình là 226,791 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 146,108 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án CPK 14,611 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 50 tỷ đồng, chi phí dự phòng 16,072 tỷ đồng.

Ngày 18/10/2011, UBND huyện Nho Quan có Quyết định số 752/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí cho dự án. Theo đó, mỗi công đoạn nâng lên để rồi sau nhiều lần bổ sung thì chi phí xây lắp và thiết bị từ 146 tỷ đồng ban đầu vọt lên hơn 535 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án từ hơn 14 tỷ đồng cũng “nhảy” lên gần 30 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và đền bù từ 50 tỷ đồng cũng theo đó tăng lên 80 tỷ đồng, chi phí dự phòng từ 16 tỷ đồng cũng không “yên vị” chạy lên con số 30 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài thi công, một số hạng mục được hoàn thành song những phần quan trọng dường như lại bị… bỏ ngỏ khiến cả dự án gần như “đắp chiếu” không phát huy tác dụng. Đó là tuyến đường ven hồ còn khoảng 1,5km chưa thi công, tuyến đập mới còn khoảng 100m chưa khép kín, nạo vét lòng hồ, kênh thoát lũ sau tràn và các công trình trên kênh...  Đặc biệt, 100m tuyến đập mới chưa khép kín và hiện 18 hộ đồng bào dân tộc Mường vẫn ở lòng hồ khiến công trình chưa có tác dụng ngăn lũ như mục tiêu của dự án đề ra. 

Vậy là, tổng kinh phí cho công trình từ chỗ 226,7 tỷ đồng vọt lên hơn 675 tỷ đồng. Vì lý do cạn vốn, đến ngày 1/12/2016, UBND tỉnh phê duyệt quyết toán hồ Thường Xung là hơn 316 tỷ đồng và còn nợ phải trả gần 29 tỷ đồng.

Hồ Thường Xung nằm trong vùng ảnh hưởng của sông Hoàng Long với nguồn nước từ Hưng Thi (Hoà Bình) và nước từ các triền núi thuộc địa bàn xã Cúc Phương, Văn Phú chảy về. Nếu theo mục tiêu dự án cải tạo, nâng cấp hồ, dòng nước từ Thường Xung hoà cùng hai hồ Hang Trải và nước Lộ (xã Văn Phú) có thể tích trữ được khoảng 4 triệu m3 sẽ góp phần điều hoà lượng nước mùa mưa và cấp nước mùa khô cho bốn xã trên địa bàn. Cho nên, khâu quan trọng nhất của dự án là khu tái định cư, mặc dù được quyết toán giai đoạn I là 80 tỷ đồng, nhưng 18 hộ nằm trong lòng hồ vẫn phải đợi vì… hết tiền! Mặt khác, đập tràn chưa hàn khẩu thì dự án cũng như giai đoạn ban đầu, không có tác dụng điều hoà nước mùa mưa, cấp nước mùa khô.

Thanh tra Bộ KH&ĐT yêu cầu đánh giá hiệu quả đầu tư

Ngày 22/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Kết luận thanh tra số 7729/BKHĐT-TTr thanh tra việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quá trình thực hiện dự án; việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2014-2015 tại tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì tổ chức kiểm điểm, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, vi phạm, đồng thời chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: Tiến hành kiểm tra thực tế và đánh giá hiệu quả việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung, huyện Nho Quan để có phương án xử lý, tránh gây lãng phí vốn đầu tư công.

Ngày 20/12/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 1782 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với dự án này theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT, giao cho ông Nguyễn Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn để kiểm tra thực tế, đánh giá hiệu quả việc đầu tư dự án từ đó đề xuất phương án xử lý, tránh gây lãng phí vốn đầu tư công.

PV Báo Thanh tra đã liên hệ với UBND tỉnh Ninh Bình, cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía 2 đơn vị này.  

Trước đó, tại Kết luận số 1121/KL-TTCP ngày 9/5/2012 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã nêu rõ: Việc chỉ định đơn vị tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng công trình trong khi chưa có chủ trương đầu tư là không phù hợp với quy định tại Điều 40 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. UBND huyện Nho Quan (chủ đầu tư) phê duyệt kế hoạch đấu thầu là trái thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP, trong đó ghi rõ “chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch đấu thầu lên người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền đầu tư xem xét phê duyệt”.

Việc áp dụng đối với gói thầu chỉ định thầu không tuân theo quy định tại Điều 41 Nghị định 58/2008/NĐ-CP về “quy trình chỉ định thầu”. UBND huyện tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đầy đủ theo trình tự, thu hồi đất được quy định tại Chương V Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ. 

Thực hiện kết luận của TTCP, UBND huyện Nho Quan đã tổ chức hội nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 4 tập thể (lãnh đạo UBND huyện; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi huyện; Phòng Công thương; Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng huyện) và 3 cá nhân (ông Lê Tiến Lực, Chủ tịch UBND huyện; ông Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi huyện và ông Vũ Quý Dương, Phó phòng Công thương là người trực tiếp theo dõi dự án) có liên quan đến công tác lãnh đạo và thực hiện chuyên môn trong quá trình triển khai dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung là một trong những dự án quan trọng đối với huyện miền núi Nho Quan bởi tính thiết thực của việc điều tiết nước trong mùa khô và mùa mưa, đồng thời cung cấp nước tưới cho 800 ha canh tác cũng như cấp nước cho hàng chục nghìn gia đình sống quanh chân núi.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng của Ban Quản lý dự án thực hiện có nhiều điểm thiếu minh bạch, một số người dân khiếu kiện kéo dài, gây giảm sút lòng tin trong nhân dân 3 xã Văn phú, Văn Phương và Cúc Phương.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng