Ngày 16/8/2007, UBND xã Cúc Phương đã ký Hợp đồng số 02 cho ông thuê 34.521m2, thời hạn là 5 năm đến ngày 16/8/2012 với mục đích trồng trọt, chăn nuôi.

Quá trình thực hiện hợp đồng, từ đất hoang hóa, có nhiều sỏi đá, ông Chung đã tiến hành đầu tư công sức, tiền của để cải tạo thành đất có thể trồng cấy cây công nghiệp như cây keo số lượng lớn và tiến hành việc xây dựng chuồng trại để chăn thả trâu, bò, lợn rừng, gà vịt và làm kinh tế hộ gia đình với mức thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến khoảng đầu năm 2011, diện tích này được UBND huyện Nho Quan ra quyết định thu hồi để thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp hồ Thường Xung (theo Quyết định số 580 ngày 18/3/2008 của UBND tỉnh Ninh Bình).

Ngay khi có thông báo thu hồi từ phía Ban Đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Nho Quan, ông Chung đã nghiêm chỉnh chấp hành bằng việc hợp tác với cơ quan chức năng tiến hành hành đo đạc, kiểm đếm tài sản hoa màu đất đai bị thiệt hại do xây dựng công  trình và ngừng sản xuất, chăn nuôi để bàn giao mặt bằng cho Ban Đền bù GPMB huyện thực hiện dự án.

Lúc đầu, Ban Đền bù GPMB huyện Nho Quan đã tiến hành kiểm đếm diện tích đất đai cũng như cây cối hoa màu trên phần diện tích đất của ông Chung đang canh tác và có biên bản kiểm kê xác nhận.

Theo phương án được phê duyệt, hộ ông Chung được bồi thường hỗ trợ về tài sản và cây trồng được kiểm đếm là hơn 93 triệu đồng (Phiếu chi số 328 tại thời điểm tháng 6/2011).

Theo ông Chung, việc đền bù chưa thỏa đáng vì nếu tính theo các quy định của Nhà nước thì số tiền thực nhận phải là 760 triệu đồng, nhưng trong quá trình kiểm đếm, lên phương án, một số cán bộ có gợi ý phải có “lại quả” thì mới được tính toán đầy đủ. “Tôi hơi bị sốc vì cách làm việc của cán bộ huyện Nho Quan nên tôi không đồng ý với việc phải có “ăn chia” thì mới được nhận đền bù, hỗ trợ. Như vậy, tôi đương nhiên bị ảnh hưởng quyền lợi vì phải “lại quả” số tiền không nhỏ số tiền mình được hưởng”, ông Chung cho biết thêm.

Ngay sau đó, Ban Đền bù GPMB huyện Nho Quan đã có văn bản trả lời với nội dung: Quá trình ký hợp đồng thuê đất chưa chặt chẽ, không có đề án thuê đất chỉ ghi là trồng trọt và chăn nuôi. Do vậy khi ông Nguyễn Thành Chung xây dựng chuồng trại và hệ thống tường bao, các công trình phụ trợ, ngày 22/10/2010, UBND xã Cúc Phương giao cho cán bộ chuyên môn lập biên bản yêu cầu không được xây dựng công trình trên đất, buộc phải tháo dỡ…

Cùng ngày, UBND xã Cúc Phương xác định rõ ông Nguyễn Thành Chung vi phạm hợp đồng xây dựng trại chăn nuôi lợn trong thời điểm đang triển khai công tác thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án cải tạo và nâng cấp hồ Thường Xung.

 “Tôi trồng cây gì, nuôi con gì là quyền của tôi, việc chăn nuôi thì phải có chuồng trại để nhốt gia súc, tường bao để bảo vệ tài sản và đến khi hết hợp đồng tôi cũng không yêu cầu đền bù nhưng vì Nhà nước thu hồi 2 năm thì phải đền bù cho tôi. Không lẽ tôi thuê đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm mà không làm chuồng trại thì nhốt lợn gà, bò bê ở đâu, hay huyện Nho Quan cho rằng tôi phải chăn nuôi như thời hoang dã thì mới là sử dụng đúng mục đích", ông Chung bức xúc.

Căn cứ vào các nội dung nêu trên, Hội đồng Đền bù GPMB xét thấy việc ông Nguyễn Thành Chung đề nghị xin được hỗ trợ công cải tạo đất là không có cơ sở để xem xét.

Bức xúc, ông Chung đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan, ban, ngành trong huyện và trong tỉnh Ninh Bình.

Ngày 21/2/2014, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn hướng dẫn số 11 gửi đơn đến UBND huyện Nho Quan để được giải quyết.

Quyền lợi không được giải quyết, ngày 3/5/2015, ông đã làm đơn khiếu nại quyết định của UBND huyện Nho Quan, nhưng đến ngày 17/8/2015, UBND huyện mới có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và bác đơn của ông. Như vậy, UBND huyện Nho Quan đã vi phạm Điều 28 Luật Khiếu nại: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý…” .

Ngày 15/9/2015, ông Chung tiếp tục có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu được giải quyết thỏa đáng.

Đến ngày 18/12/2015, UBND tỉnh Ninh Bình có Công văn số 151 do ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch ký yêu cầu Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nho Quan khẩn trương xem xét, xác minh kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/3/2016.

Tuy nhiên, ông Chung cho biết, hiện nay vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 này.

Sau một thời gian dài liên hệ đặt lịch làm việc, PV Báo Thanh tra đã về trao đổi với bà Bùi Bích Thu, Chánh Văn phòng UBND huyện Nho Quan - người được Chủ tịch UBND huyện giao làm việc với báo chí. Trước đề nghị được cung cấp những văn bản thể hiện việc huyện Nho Quan giải quyết thỏa đáng yêu cầu chính đáng cho công dân thì bà Thu cho biết không thể cung cấp và việc đó thì ông Chung là người có đơn đã cung cấp. Còn UBND huyện đã giải quyết đúng trình tự thủ tục.

Trong một diễn biến khác, tại Thông báo số 82 ngày 3/6/2014, UBND huyện Nho Quan đã nêu “về việc đề nghị được thanh lý Hợp đồng số 02 ngày 13/8/2007 giữa gia đình ông Chung với UBND xã Cúc Phương nếu không thỏa thuận được việc giải quyết nội dung liên quan thì có thể kiện ra tòa để được xem xét giải quyết”.

Kì II: Bao nhiêu trong 675 tỷ đồng không về tới hồ Thường Xung?

Nam Dũng