Trước sự việc này, ông Tỵ đã có đơn tố cáo gửi tới UBND huyện Phúc Thọ và Công an huyện Phúc Thọ. Ngày 6/3, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo UBND xã Tam Hiệp và Công an huyện làm rõ việc một số đối tượng hủy hoại tài sản của gia đình ông Tỵ.

Ngày 15/3, Chủ tịch UBND huyện Phúc thọ tiếp tục chỉ đạo UBND xã Tam Hiệp và Phòng Tài nguyên và Môi trường xác minh làm rõ đơn của gia đình ông Tỵ liên quan đến việc gia đình ông đề nghị: “kiểm tra và xử lý các đối tượng liên quan trong việc tự ý phá hoại tài sản gia đình ông, dừng việc thi công hồ bơi (nếu có) để chờ kết quả giải quyết mốc giới của gia đình ông theo quy định”.

Cả hai văn bản, UBND huyện đều yêu cầu các đơn vị nói trên báo cáo UBND huyện bằng văn bản kết quả giải quyết và trả lời công dân theo quy định.

Tuy nhiên, ngay sau khi UBND huyện có chỉ đạo, đơn vị thi công vẫn tiếp tục cho người thi công các hạng mục, đồng thời đưa máy móc lấn sâu hơn vào đất đang do gia đình ông Tỵ quản lý, tiếp tục chặt hạ cây cối. Như vậy, hiện trường một vụ tranh chấp đất đai, hiện trường một vụ việc có dấu hiệu hình sự đã bị đơn vị thi công làm sai lệch.

Luật sư Nguyễn Thị Yến, Văn phòng luật Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, thông thường ở một vụ tranh chấp đất đai, mọi hoạt động thi công, xây dựng, mua bán… đều phải tạm dừng, thậm chí khôi phục lại hiện trạng ban đầu để các cơ quan chức năng vào cuộc đưa ra kết luận chính xác nhất. Qua đó, không làm phát sinh những tình huống, sự việc, tranh chấp hay những mâu thuẫn giữa các bên. Ở sự việc này, đơn vị thi công vẫn cố tình kéo dài thêm nhiều ngày thi công là trái với quy định.

“Khi UBND huyện đề nghị Công an huyện vào cuộc, tức là muốn làm rõ có hay không một vụ việc có dấu hiệu hình sự. Trong đó, khâu bảo vệ hiện trường để làm rõ các tình tiết hết sức quan trọng. Đây cũng là căn cứ để vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi xác định có dấu hiệu của tội phạm như quy định tại Điều 100, Bộ luật tố tụng Hình sự”, luật sư Yến phân tích.

Nhìn nhận câu chuyện ở khía cạnh tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền cùng chủ đầu tư, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, nếu các cấp chứng minh người dân đang sử dụng đất lấn chiếm từ nhiều năm, họ vẫn có quyền lợi trong việc được chính quyền kiểm đếm cây cối, hoa màu, công trình và được hưởng những chính sách hỗ trợ nhất định. Nếu họ không chấp hành, cản trở thi công, UBND xã, UBND huyện có trách nhiệm ra thông báo, quyết định cưỡng chế.

Trần Quý