Lật lại lịch sử đầu tư

Công ty Cổ phần Lionas Fund (Fund Nhật Bản) ở Việt Nam là công ty con 100% vốn của Công ty TNHH Lionas Metals Nhật Bản (Lionas Nhật Bản), chịu trách nhiệm đầu tư và quản lý dự án tại Việt Nam. Fund Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo-to, Chuo-ku, Nihonbashi Hakozaki-cho 20-1, Tòa nhà Hakozaki NSO 1F, Nhật Bản, hoạt động theo Quyết định thành lập số 0100-01-193401, người đại diện theo pháp luật là ông Mitsui Shinya.

Công ty TNHH Lionas Metals Việt Nam (Metals Việt Nam) là một trong những dự án mà Fund Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, sở hữu 26% vốn điều lệ. Metals Việt Nam có trụ sở tại tổ dân phố Liên Sơn, phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất ferrosilicon và các loại hợp kim đặc thù dùng trong ngành sản xuất gang thép…

Lionas Nhật Bản là công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh sản phẩm ferrosilicon, có danh tiếng và sức ảnh hưởng trong ngành, có quan hệ cung ứng hàng ổn định, lâu dài với các công ty gang thép nổi tiếng trên toàn thế giới.

Để phát triển hơn nữa về sản xuất, kinh doanh, Fund Nhật Bản đã đầu tư dự án ferrosilicon chất lượng cao vào Công ty TNHH Ferocrom Thanh Hóa. Sau khi đầu tư thành công, nhằm tận dụng tốt hiệu ứng nhãn hiệu của Lionas Nhật Bản, Công ty Ferocrom Thanh Hoá đã được đổi tên thành Metals Việt Nam, và Fund Nhật Bản hiện sở hữu 26% (thoả thuận trước đây là 60%).

Sau nhiều năm khảo sát, đánh giá cơ hội và môi trường đầu tư tại Việt Nam, năm 2018, Lionas Nhật Bản quyết định đầu tư vào Việt Nam, giao cho Fund Nhật Bản đầu tư khôi phục và mở rộng dự án Ferocrom Thanh Hoá thuộc Công ty TNHH Ferocrom Thanh Hoá (tên gọi cũ của Lionas Metals Việt Nam), là dự án được Công ty TNHH Đầu tư Trung Hải Việt Nam (Trung Hải) đầu tư thực hiện từ năm 2008.

Vào thời điểm Fund Nhật Bản bắt đầu đầu tư, Ferocrom Thanh Hoá đang trong tình trạng đầu tư trì chệ, hoạt động cầm chừng, đất đai nhiều năm hoang phí, tài sản không đủ trả nợ, đối diện với việc phá sản... tổng nợ tồn đọng khoảng hơn 13 triệu USD, vượt quá số vốn điều lệ của công ty. 

Trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, tháng 11/2018, Fund Nhật Bản và Trung Hải đã đàm phán và ký kết thành công hợp đồng nguyên tắc về việc hợp tác đầu tư, điều chỉnh mục tiêu và mở rộng quy mô dự án từ sản xuất ferocrom sang sản xuất ferrosilicon. 

Theo hợp đồng nguyên tắc lần thứ nhất, Fund Nhật Bản cùng Trung Hải đồng quản lý Metals Việt Nam bằng hình thức Fund Nhật Bản mua lại 10% vốn góp của Trung Hải bằng tiền mặt, đồng thời nhận thế chấp 50% vốn góp của Trung Hải tại Metals Việt Nam. Hai bên thoả thuận thống nhất Fund Nhật Bản sẽ hoàn thành việc đầu tư độc lập vào 2 dây chuyền sản xuất (cải tạo 1 dây chuyền cũ và xây mới 1 dây chuyền). Sau khi đầu tư xong, 50% vốn góp mà Trung Hải đã thế chấp sẽ thuộc về Fund Nhật Bản, đảm bảo việc Fund Nhật Bản sở hữu 60% tổng vốn góp. Fund Nhật Bản đồng ý thống nhất việc Trung Hải không đầu tư tiếp tài chính, nhân lực, công nghệ… vào Metals Việt Nam nữa, mà chỉ tham gia phân chia lợi nhuận.

Trung Hải cam kết cùng quản lý vận hành sản xuất, kinh doanh, cử 1 tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và 1 phó tổng giám đốc chuyên giám sát, quản lý tính hợp pháp, hợp lệ về tài chính và các hoạt động vận hành tại Metals Việt Nam. Metals Việt Nam đã luôn được vận hành theo phương thức hai bên cùng quản lý, cùng ký xác nhận. 

Cản trở thành viên góp vốn tham gia điều hành

Sau khi hợp đồng hợp tác lần thứ nhất được ký kết, Lionas Nhật Bản và Fund Nhật Bản đã dốc sức đầu tư, cải tạo khôi phục và đưa 1 dây chuyền sản xuất cũ hoạt động ổn định vào tháng 6/2019, cứu vớt thành công Metals Việt Nam đang trên bờ vực phá sản.

Cuối năm 2019, phương án đầu tư mở rộng dây chuyền mới đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phần đầu tư xây dựng mở rộng của Lionas Fund đã không thể thực hiện theo kế hoạch. 

Mặc dù vậy, để Metals Việt Nam có thể phát huy tốt nhất hiệu ứng nhãn hiệu của Lionas Nhật Bản, ngày 31/12/2020, Công ty TNHH Ferocrom được đổi tên thành Công ty TNHH Lionas Metals (Metals Việt Nam).

Metals Việt Nam nhanh chóng trở thành công ty có năng lực tăng trưởng khá tốt trong ngành. Ngoài việc đầu tư xây dựng thương hiệu, quản lý, nhân lực, thiết bị... Lionas Nhật Bản cũng đã đầu tư giúp Metals Việt Nam hình thành nhiều tài sản vô hình có giá trị khác. 

Bằng sự nỗ lực tự thân, Lionas Nhật Bản đã xây dựng tốt nền tảng và điều kiện phát triển ổn định, tiền đồ sáng lạn, đáng vui mừng cho Metals Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu năm 2021, Trung Hải bất ngờ không công nhận dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng để chỉ trích Fund Nhật Bản không tuân thủ thời hạn đầu tư, vi phạm hợp đồng, đồng thời đưa ra yêu cầu vô lý là độc quyền kiểm soát Metals Việt Nam. 

Nhằm đạt được mục đích “độc quyền” kiểm soát Metals Việt Nam, ông Liu Chun (thường gọi là Lưu Xuân), với tư cách là người đại diện pháp luật của Metals Việt Nam, đã từ chối ký kết các hợp đồng giao dịch, các hồ sơ xuất khẩu hàng hoá, ép buộc, thậm chí có những hành vi trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Metals Việt Nam, dẫn đến việc Lionas Nhật Bản và Fund Nhật Bản phải đối diện với hậu quả nghiêm trọng là vi phạm hàng loạt các hợp đồng đã ký kết với các đối tác.  

Sau nhiều lần đàm phán không thành công, tháng 6/2021, với mong muốn không gây ảnh hưởng đến dự án Metals Việt Nam, Fund Nhật Bản đành phải đàm phán và thống nhất lại các nội dung thỏa thuận hợp tác với Trung Hải. Theo đó, Fund Nhật Bản đồng ý quy đổi những phần mà Fund Nhật Bản đã đầu tư lấy 16% vốn góp tại Metals Việt Nam để hai bên tiếp tục liên doanh cùng vận hành sản xuất, kinh doanh. Hai bên công nhận quyền phủ quyết của Fund Nhật Bản theo điều lệ liên doanh với điều kiện Fund Nhật Bản giải chấp 50% vốn góp mà Trung Hải đã thế chấp; Trung Hải chịu trách nhiệm đầu tư hoàn thành 1 dây chuyền sản xuất mới trước tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, các bên cam kết kể từ thời điểm 1/1/2022, mọi hoạt động của Metals Việt Nam được vận hành theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở cùng thảo luận và thông qua, cùng điều hành quản lý bởi 2 thành viên góp vốn là Trung Hải 74%, Fund Nhật Bản 26%. 

Sau khi Fund Nhật Bản giải chấp 50% phần vốn góp mà Trung Hải đã thế chấp, ngày 2/12/2021, Trung Hải đã hoàn tất thủ tục thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Metals Việt Nam để ghi nhận Trung Hải nắm giữ 74% vốn điều lệ, Fund Nhật Bản nắm giữ 26% vốn điều lệ theo đúng thỏa thuận.

Với tư cách thành viên sở hữu 26% vốn điều lệ của Metals Việt Nam, Fund Nhật Bản có quyền và nghĩa vụ tham gia vào quá trình quản lý và điều hành Metals Việt Nam, được quyền tiếp cận thông tin, kiểm tra, theo dõi các giao dịch, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính… theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ Công ty Metals Việt Nam và thoả thuận giữa các bên về Metals Việt Nam. Fund Nhật Bản có quyền nhận được sự bảo hộ của luật pháp Việt Nam, đồng thời cũng chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật Việt Nam. 

Về phía Trung Hải đã không hoàn thành dự án theo đúng tiến độ như cam kết với Fund Nhật Bản, đồng thời không thừa nhận trách nhiệm của mình mà đổ lỗi cho Nhà nước Việt Nam, cho rằng các thủ tục hành chính của Việt Nam rườm rà, quy định pháp luật của Việt Nam bị thay đổi liên tục ... 

Kể từ tháng 7/2022, Trung Hải, với tư cách là thành viên chiếm giữ 74%, đã cản trở Fund Nhật Bản tham gia vào quá trình quản lý và điều hành Metals Việt Nam, có dấu hiệu “bưng bít” mọi thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh của Metals Việt Nam, đơn phương kiểm soát Metals Việt Nam một cách phi pháp.

Bài 2: Fund Nhật Bản đề nghị cơ quan chức năng dừng giao dịch liên quan đến hoạt động của Metals Việt Nam

Văn Thanh