Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

3 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai không tham dự cuộc họp này vì Ban Chỉ đạo vừa làm việc, kiểm tra tại đây.

Không để kéo dài giãn cách xã hội

Kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, kể cả tại các nước có tiềm lực hàng đầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Do đó, cần xác định và sẵn sàng tư tưởng chung sống, thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh; đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp, kiểm soát dịch bệnh để tập trung cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhấn mạnh tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương, đặc biệt là xã, phường, thị trấn cần xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình để thực hiện có kết quả theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, phù hợp với từng địa phương; ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh sớm, hiệu quả, không để kéo dài giãn cách xã hội.

Ông đặc biệt lưu ý, địa phương nào thực hiện chưa hiệu quả thì phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra các biện pháp, giải pháp, lộ trình phù hợp, triển khai nghiêm túc.

“Chúng ta đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Một lần nữa, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19 nói rõ, giãn cách xã hội là biện pháp chống lây lan dịch bệnh nên phải thực hiện thật nghiêm, chặt chẽ, kiểm soát có hiệu quả.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tiêm vaccine một cách khoa học, hiệu quả và toàn diện, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông lưu ý, khi thực hiện giãn cách xã hội, các lực lượng phải đảm bảo không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là các gia đình khó khăn về kinh tế, người cơ nhỡ, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đồng thời đảm bảo cho người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhằm phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực ngay tại cơ sở, không để quá tải tuyến trên; điều trị tích cực, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại để giảm ca bệnh nặng, ca tử vong do COVID-19.

Nghiên cứu di dời nơi có mật độ dân số cao, tránh lây nhiễm chéo

Thủ tướng đề nghị các địa phương phải bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội; nghiên cứu di dời những nơi có mật độ dân số quá cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn đến nơi thông thoáng, an toàn, tránh lây nhiễm chéo.

Thực hiện “sản xuất an toàn, an toàn để sản xuất”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương không đưa ra quy định riêng.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, kịp thời đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, khen thưởng kịp thời các điển hình tốt; xử lý những cá nhân, tập thể không thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch.

Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức phòng, chống dịch ở địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương nhanh chóng kiện toàn tổ chức, trong đó Bí thư cấp ủy phải làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch UBND làm Chỉ huy trưởng, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch.

Các tổ chức, bộ máy phòng, chống dịch ở địa phương phải có quy chế làm việc, quy chế phối hợp rõ ràng và hoạt động 24/24 giờ.

“Xã, phường, thị trấn là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19”, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị của từng xã, phường, thị trấn phải chủ trì, phối hợp với các lực lượng chi viện, chủ động kêu gọi người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; kiểm soát việc đi lại của người dân, thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đó”...

Các xã, phường, thị trấn cũng phải lập các đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ và phổ biến tới mọi người dân được biết để liên hệ khi cần. Cạnh đó, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, động viên, chăm sóc đời sống tinh thần cho nhân dân.

Khẳng định những giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay là đúng hướng, song Thủ tướng lưu ý nếu có phát sinh hoặc có gì chưa phù hợp với từng địa phương thì phải rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần.

Ông đề nghị các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ phòng, chống dịch, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Hương Giang