Tiếp tục phiên họp 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc bổ sung 4 dự án luật: Hóa chất sửa đổi; Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Phòng, chống mua bán người sửa đổi; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, sáng 18/12.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất mở rộng khái niệm vũ khí thô sơ

Liên quan Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban này và các cơ quan đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đề xuất bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào nội hàm vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng.

Cùng đó, phân tích, làm rõ mối liên hệ giữa tỷ lệ gia tăng tội phạm với việc sử dụng dao có tính sát thương cao để tăng tính thuyết phục của đề xuất này.

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cũng đề nghị Chính phủ, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm vừa không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động hàng ngày của người dân.

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất mở rộng khái niệm vũ khí thô sơ bao hàm các công cụ sản xuất đời sống như dao.

“Các cơ quan cũng có ý kiến vì tác động lớn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Ông Trần Quang Phương cũng đồng tình với gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đó là không nên ghi ngay vào nghị quyết là thông qua tại một kỳ họp mà nên ghi là thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Còn trong quá trình nếu chuẩn bị tốt thì sẽ thông qua tại 1 kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết tán thành với Bộ Công an là thông qua tại 1 kỳ họp vào kỳ họp 7 (giữa năm 2024).

“Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng nhiều việc, nhưng tán thành với Bộ Công an, chúng tôi cố gắng cùng Bộ Công an làm để thông qua trong 1 kỳ họp”, ông Tới nêu.

Tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng xuất hiện nhiều

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, liên quan tới dự án luật này, Bộ Công an đã tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ các hành vi phạm tội trong suốt quá trình thực hiện luật để phát hiện các sơ hở bất cập trong quy định.

Theo ông Ngọc, từ đầu năm nay và cuối năm ngoái trở lại đây, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng xuất hiện nhiều. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

“Hoạt động phạm tội có thể là tức thì của các đối tượng rất manh động. Theo thống kê, trong các vụ phạm tội dùng vũ khí là dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng. Từ đó, có thể thấy rõ tính chất phức tạp”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định sẽ nghiên cứu, giải trình đầy đủ, căn cơ vấn đề này để trình ra Quốc hội tại kỳ họp 7 theo phương án thông qua tại 1 kỳ họp.

“Nếu chậm triển khai đề xuất sửa đổi ngày nào thì tội phạm còn tiếp tục xảy ra theo nhóm mà Bộ Công an đề xuất ngày đó”, ông Ngọc nói.

Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Hương Giang