Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ bày tỏ “lo ngại” với tiến độ giải ngân của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có quy mô 347 nghìn tỷ đồng chỉ giải ngân trong thời gian 2 năm (2022 - 2023), nhưng tới nay đã nửa năm 2022 rồi mà việc triển khai vẫn “rất chậm”.

“Báo cáo dự kiến điều hòa vốn chương trình này với đầu tư công nhưng vừa rồi rà soát lại năm nay chỉ bổ sung thêm dự toán 18 nghìn tỷ thì nhằm nhò gì. Tức là giữa cái chúng ta nói và chúng ta làm không đi đôi với nhau”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ông Vương Đình Huệ cho hay, theo tinh thần nghị quyết Quốc hội đến năm 2023 nếu không giải ngân được thì trình Quốc hội dừng lại, vì nếu cứ chuyển nguồn thì “không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế”.

“Chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng. Lúc trình ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù đã cho hết rồi thì không hiểu lý do vì sao chậm”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị, Chính phủ giải trình kỹ trước Quốc hội việc chậm điều hoà vốn này. 

Ông cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của cơ quan thẩm tra thảo luận kỹ vấn đề này, không thể “3 sôi, 2 lạnh”.

Thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hôi cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo cơ quan thẩm tra, việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan Trung ương theo nghị quyết của Chính phủ “mới đang dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến”.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế dẫn chứng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình và dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính thì đang gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan về dự thảo nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022…

Trong khi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương về Dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”…

Có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình và phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dẫn tới khó hoàn thành yêu cầu theo mốc thời hạn của nghị quyết, sẽ ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu đặt ra.

Còn việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nếu không khẩn trương thực hiện sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi học sinh các cấp đã được đến trường.

Cơ quan thẩm tra còn lưu ý, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022 mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%. Song theo phản ánh, thực tế triển khai còn những vướng mắc trong rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT.

“Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tiến độ triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đưa ra giải pháp đột phá, lộ trình hoàn thành các nhiệm vụ theo nghị quyết của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Gói hỗ trợ này có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng với một số cơ chế đặc thù, áp dụng trong 2 năm.

5 dự án quan trọng quốc gia, tránh có chủ trương đầu tư rồi lại không triển khai được

Cũng tại kỳ họp này, Thường vụ cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP HCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa -  Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). 

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đầu tư. 

Các dự án này có sử dụng đa dạng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn đầu tư trung hạn và gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Ông Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ việc phân kỳ đầu tư, hình thức cơ cấu các nguồn vốn đầu tư và đặc biệt là tính khả thi, tránh tình trạng có chủ trương đầu tư rồi lại không triển khai được. 

Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm có báo cáo; chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình về các nội dung liên quan đến những dự án quan trọng này. 

Hương Giang