Với 446/465 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, sáng ngày 2/6.

Quốc hội đã đồng ý cho trình Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngay tại kỳ họp đang diễn ra, thông qua tại kỳ họp 6 (tháng 10/2023).

Cũng tại kỳ họp vào tháng 10 tới, Quốc hội đồng ý bổ sung 7 dự án luật, pháp lệnh vào chương trình để cho ý kiến, trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Trước khi biểu quyết, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của 3 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật (Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ) có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được, hạn chế việc phải đợi ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không đề xuất thành lập lực lượng mới mà chỉ tổ chức lại các lực lượng hiện có nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do đó, không cần thiết phải thực hiện thí điểm.

Sau khi được Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình, Chính phủ sẽ trình các dự án luật và báo cáo cụ thể với Quốc hội về nội dung từng dự án để xem xét, cho ý kiến.

“Trong quá trình thảo luận, cơ quan trình sẽ báo cáo, giải trình, tiếp thu làm rõ những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các dự án luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo trước Quốc hội.

Không để cài cắm “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách, pháp luật

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), ngoài thông qua 9 luật được cho ý kiến từ cuối năm 2023, Quốc hội sẽ cho ý kiến 9 dự án luật, trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Công chứng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…

leftcenterrightdel
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: P.Thắng 

Tại kỳ họp thứ 8 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật là Luật Chuyển đổi giới tính, Luật Việc làm (sửa đổi). Cạnh đó, có 9 dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo dự án luật thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo cũng phải rà soát kỹ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những quy định thiếu thống nhất; bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo; có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cơ quan được giao chủ trì soạn thảo để bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội được giao tăng cường năng lực và đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, làm rõ và kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sơ hở, sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.

Hương Giang