Chiều 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đau lòng khi “cháy không biết chạy đi đâu, vì xung quanh là chuồng cọp”

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh nguyên nhân cháy thì có nhiều, nhưng điều đáng nói “cháy không biết chạy đi đâu và không thể chạy được, bởi xung quanh là khung sắt, chuồng cọp. Cháy mà chạy được thì đồng nghĩa với cái chết”.

“Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra thời gian vừa qua ở rất nhiều nơi, với rất nhiều cấp độ khác nhau và không đâu xa ngay tại Thủ đô Hà Nội này”, theo lời ông Mai.

Lưu ý phòng cháy với nhà ở là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là với loại hình nhà ở trong ngõ, hẻm, chung cư… nhưng ông Mai thấy, dự thảo luật chưa có các quy định cụ thể.

Theo ông, cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng với nhà ở thành thị và nhà ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo thi hành trong thực tiễn.

Cạnh đó, dự thảo cần bổ sung quy định về giải pháp ngăn cháy giữa nơi ở và khu vực kinh doanh với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh.

“Tôi đề nghị cần điều tra, khảo sát, đánh giá tác động một cách cụ thể, kỹ lưỡng, nhất là đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh để quy định một cách chặt chẽ, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện luật”, ông Mai góp ý.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nói chưa bao giờ “giặc hỏa” lại khủng khiếp và tàn khốc như gần đây. Trong đó, nguy cơ cháy vô cùng lớn từ các khu nhà trọ, nhà ở, nhà ống, ngõ hẹp, sâu trong thành phố, từ vũ trường, nhà hàng, karaoke, 1.001 kiểu cháy khó lường.

“Dường như các cơ quan chức năng bất lực khi kiểm tra ở bất cứ ngõ phố nào, khu nhà trọ nào cũng thấy trên dưới 90% không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.

Người dân đang phó thác sinh mệnh của mình vào sự hên xui, cháy ở đâu đó không phải ở nhà mình, không phải ở khu phố mình, còn nếu cháy xảy ra thì không biết chạy vào đâu, thoát ở đâu”, đại biểu Thắng nêu thực tế.

Từ đó, ông Thắng đề nghị cần tiếp cận, nghiên cứu kỹ, sâu, đầy đủ, cụ thể hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở. Trong đó, xác lập các quy định, trang bị cơ sở vật chất, nguyên tắc ứng xử, hành động của người dân về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn một cách cụ thể và có tính bắt buộc.

Lưu ý thời gian qua, nhiều người tử vong trong các vụ cháy do không thể thoát nạn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị cần quy định một chương riêng vấn đề này.

Chương này, theo ông Cảnh, sẽ quy định trách nhiệm, hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.

Bổ sung mặt nạ chống khói, áo choàng chống cháy vào danh mục hỗ trợ

Vấn đề nữa được đại biểu đề cập là trang bị cho lực lượng chữa cháy. Theo ông Cảnh, cần bổ sung dụng cụ cắt sắt cầm tay dùng pin sạc cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Dụng cụ này gọn nhẹ hơn Rìu cứu nạn, Xà beng, Búa tạ, Kìm cộng lực.

“Với nhà dân mà có lắp các khung sắt chuồng cọp thì dụng cụ này cắt khung sắt giải cứu người dân nhanh hơn rất nhiều. Đôi khi rìu cứu nạn, xà beng, búa tạ, kìm cộng lực không thể cắt được khung sắt mà chỉ có dụng cụ này mới cắt được”, đại biểu phân tích.

Đại biểu đoàn Bình Định đề nghị bổ sung thêm mặt nạ chống khói, áo choàng chống cháy vào danh mục để hỗ trợ việc đưa người bị nạn ra ngoài an toàn hơn. Ông cũng đề xuất cần nghiên cứu để trang bị phương tiện mô tô chữa cháy cho các lực lượng chữa cháy.

Nêu Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ nước chữa cháy ở các hẻm nhỏ, ông Cảnh nhận định, trụ nước này kết hợp với mô tô chữa cháy sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy ở các nơi mà phương tiện chuyên dụng không tiếp cận được hoặc tới chậm.

Với những địa phương chưa có kế hoạch làm các trụ cấp nước chữa cháy trong các hẻm nhỏ, ông Cảnh gợi ý, có thể 200m sẽ trích ra 1 đầu cấp nước chữa cháy từ nguồn nước cấp bên ngoài nhà dân để phục vụ chữa cháy cho xe mô tô chữa cháy.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: P.Thắng

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị bổ sung quy định rõ trong dự án luật các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

“Cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản dập tắt đám cháy, kể cả việc trang bị phương tiện là máy bay để phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, đại biểu đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các quy định.

Trong đó, có vấn đề về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn thoát nạn; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy…

Hương Giang