Theo chương trình nghị sự kỳ họp 6 đợt 2, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra, sau đó thảo luận tại hội trường về việc giảm thuế VAT, chiều ngày 20/11.

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Mức thuế giảm này không áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ, đã được quy định tại Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 101 của Quốc hội, gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính sách này, theo Chính phủ, nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế.

Chính phủ tính toán, chính sách trên có hiệu lực dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ.

Trong cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách. Vì giảm thuế VAT đã áp dụng trong các tháng cuối năm 2023, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2023 chỉ tăng 7,3%, thấp hơn so với mức tăng của các quý trước. 

Quan điểm này đề nghị Chính phủ có giải pháp để chỉ đạo, điều hành chủ động, kịp thời, bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

Có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.

Cũng trong cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng áp dụng thuế suất 8% với tất cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. 

Giảm thuế VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội

Dự thảo nghị quyết Chính phủ trình nêu: “Sau ngày 30/6/2024, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế VAT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. 

Chính phủ đã giải trình sự cần thiết của quy định này là để “đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách tài khoá”.

Ủy ban Tài chính Ngân sách không nhất trí với việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành chính sách.

Báo cáo thẩm tra dẫn quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. 

“Việc xem xét, quyết định ban hành chính sách giảm thuế VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, theo cơ quan thẩm tra.

Thêm nữa, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc Chính phủ nêu trong báo cáo đánh giá tác động nội dung: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Hiến pháp thì Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ (thường vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm). Theo đó, trường hợp sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn và cần thiết kéo dài thời gian áp dụng giải pháp giảm thuế VAT 2% thì việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết để áp dụng ngay các tháng tiếp theo là không khả thi” để đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền ban hành chính sách là "không đủ thuyết phục". 

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách, chính sách ban hành cho mỗi lần 6 tháng thể hiện sự thiếu sự ổn định và tính dự báo của việc xây dựng chính sách. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo có giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

“Chính phủ đến thời điểm giữa năm 2024 mới xác định rõ nhu cầu cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho nửa cuối năm 2024 thì đề nghị thực hiện theo các quy trình thủ tục ban hành văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7”, cơ quan thẩm tra nêu.

Dù còn những ý kiến băn khoăn nhất định về sự cần thiết tiếp tục giảm thuế VAT, song với quan điểm đồng hành cùng Chính phủ, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra tán thành trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.

Theo Chính phủ, giảm thuế VAT có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.

Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, do giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó giảm trực tiếp chi phí của họ trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Với doanh nghiệp, giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Qua 4 tháng thực hiện giảm thuế VAT (tháng 7, 8, 9 và tháng 10 năm 2023), Chính phủ đánh giá, chính sách này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng. Từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát vẫn được kiểm soát (CPI bình quân 10 tháng năm nay tăng 3,2%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%)). 

Hương Giang