Chiều ngày 18/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Người ra quyết định thanh tra được “sữa chữa sai sót”

Dự thảo luật quy định việc xây dựng và ban hành kết luận thanh tra, trong đó người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. 

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 85 Dự thảo quy định “người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là một điểm rất mới và rất tích cực, tạo cơ hội cho người có thẩm quyền ký kết luận thanh tra có thể sửa chữa các sai sót liên quan đến nội dung kết luận thanh tra.

“Con người không phải là hoàn mỹ hết nên có lúc có sai sót”, ông Huệ nói. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, “nếu quy định không khéo thì giữa năng động, sáng tạo với trách nhiệm, tùy tiện, lạm quyền là liền kề với nhau, sau lại quy trách nhiệm Tổng Thanh tra”. 

“Kết quả thanh tra này là cả một đoàn thanh tra, không phải của một cá nhân nào và giá trị pháp lý rất lớn”, ông Vương Đình Huệ nói và cho rằng, cần phải có cơ chế thực thi để không tạo ra sự tùy tiện, lạm quyền, cũng như không tạo ra cơ sở để quy trách nhiệm một cách tùy tiện cho người ra quyết định.

Chính sửa kết luận thanh tra thế nào phải có quy định

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng một báo cáo kiểm toán trước khi phát hành được 2 cơ quan chuyên môn là Vụ Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Vụ Pháp chế đánh giá, thẩm tra lại xem có phù hợp với pháp luật không. 

Từ đó, theo ông, quy định chặt chẽ thì tránh được sai sót, chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”. Đồng thời, khi sai sót thì có chỉnh sửa nhưng chỉnh sửa thế nào thì phải có quy định. 

“Nên đi theo hướng đưa ra những quy định, phương pháp, cách thức để đảm bảo một kết luận thanh tra khách quan, độc lập và tuân thủ. Trường hợp có sai sót thì cách thức giải quyết thế nào. Tôi sợ quy định thế này mai mốt nhiều người sẽ bị kỷ luật. Nếu không làm thì không tròn nhiệm vụ mà làm dễ bị quy trách nhiệm nếu không rõ”, Chủ tịch Quốc hội nêu. 

Thấy ngành Kiểm toán với Thanh tra về nghiệp vụ “na ná nhau” và với kinh nghiệm 10 năm làm Kiểm toán Nhà nước, ông Huệ chia sẻ, thiết chế của chúng ta thì Tổng Kiểm toánNhà nước là người chịu trách nhiệm cuối cùng, nhưng hỗ trợ cho Tổng Kiểm toán Nhà nước thì có cơ chế Hội đồng Kiểm toán. 

“Hội đồng này không cố định mà tùy theo từng vụ việc để thành lập, để xử lý những khác nhau trong kết luận kiểm toán. Chúng tôi ngày xưa còn có thiết kế kiểm toán chất lượng vàng, thang điểm 100, đến bây giờ vẫn áp dụng. Hằng năm đều có xếp hạng, công bố sản phẩm nào là chất lượng vàng, chất lượng bạc, chất lượng đồng thì mới nâng cao chất lượng kiểm toán lên được”, ông Huệ nói thêm.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Đ.X 

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong tiếp thu ý kiến và khẳng định sẽ “nghiên cứu sâu hơn, làm rõ trách nhiệm để tránh tình trạng không cẩn thận lại lạm quyền, mất cán bộ”.

Quy định “cứng” thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Tổng Thanh tra cũng cho hay, dự thảo luật có quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Theo đó, quy định “cứng” Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra bộ phải thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Còn lại thanh tra cấp sở và thanh tra cấp huyện chỉ tiến hành thẩm định kết luận thanh tra “khi cần thiết”.

“Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để bảo đảm tính khách quan, chính xác”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

Ở vị trí điều hành phiên thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, làm rõ mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan với người ký quyết định kết luận thanh tra và đoàn thanh tra để bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng thẩm quyền, tránh vô hiệu hóa kết luận của đoàn thanh tra hoặc hạn chế quyền lực của trưởng đoàn thanh tra khi thực hiện kết luận thanh tra.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thanh tra là công cụ để đảm bảo thực thi chính sách và pháp luật. Vì vậy, trong kết luận thanh tra không chỉ là chỉ ra sai phạm, xem xét trách nhiệm của ông A, ông B, mà mục tiêu cao cả là phải chỉ ra sơ hở, chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật để có kiến nghị, đề xuất. “Nên chăng trong kết luận thanh tra nên bổ sung nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tổng Thanh tra cho hay, hiện kết luận thanh tra phải có kiến nghị về những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực đó. “Chúng tôi tiếp thu để đưa vào dự thảo luật”, ông Đoàn Hồng Phòng nói. 

Hương Giang