Chiều ngày 18/4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự thảo luật này có 8 chương và 116 điều.

Rõ trách nhiệm thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình dự án luật, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết.

Điều này nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Đoàn Hồng Phong, dự thảo luật quán triệt quan điểm "thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới" và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước.

“Vì vậy, Dự thảo Luật Thanh tra lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình”, Tổng Thanh tra cho hay.

Kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo luật thiết kế các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Cạnh đó là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở.

Không xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Về hoạt động thanh tra, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước.

Dự thảo luật quy định việc ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra và việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra được thực hiện khi cần thiết.

Dự thảo luật quy định cụ thể việc tiến hành thanh tra của các cơ quan thanh tra Nhà nước thông qua hoạt động của đoàn thanh tra; bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra hiện nay như việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; việc tạm dừng cuộc thanh tra; việc đình chỉ cuộc thanh tra…

Cạnh đó, quy định việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, như: Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập và cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó.

Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan

Tổng Thanh tra cũng cho biết, dự thảo luật quy định việc xây dựng và ban hành kết luận thanh tra, trong đó quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bảo đảm chất lượng, tính chính xác, khách quan của các kết luận, kiến nghị.

“Nếu thấy vụ việc phức tạp hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, người ra quyết định thanh tra báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản thủ trưởng cơ quan quản lý trước khi ký kết luận thanh tra”, ông Đoàn Hồng Phong nói.

Cùng với đó là quy định rõ giá trị pháp lý của kết luận thanh tra là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra; là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước.

Dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, trách nhiệm của người ban hành kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Ngoài ra, dự thảo luật quy định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán Nhà nước khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện.

Trình 2 phương án về thanh tra nhân dân

Hoạt động thanh tra Nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của ban thanh tra nhân dân.

Theo Tổng Thanh tra, Chính phủ đã thống nhất chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng và trình Quốc hội thông qua cùng với Dự án Luật thanh tra (sửa đổi).

Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, do vậy Chính phủ đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Không quy định về thanh tra nhân dân trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và kiến nghị Quốc hội đưa nội dung thanh tra nhân dân vào Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được soạn thảo.

Phương án 2: Trước mắt quy định về thanh tra nhân dân của Luật Thanh tra 2010 vẫn được giữ trong Dự thảo Luật Thanh tra, đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành đạo luật riêng về hoạt động giám sát của nhân dân. 

Hương Giang