Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Từ điểm cầu Quảng Nam, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình đề cập đến hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh đang được dư luận quan tâm.

Theo đại biểu Bình, thời gian qua, xảy ra việc “tranh chấp, nói xấu lẫn nhau” trên mạng xã hội liên quan đến kêu gọi, vận động tài trợ làm từ thiện. Điều này, gây ảnh hưởng an ninh trật tự, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Do vậy, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là các điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ “để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai”.

“Tôi kiến nghị Chính phủ cần có hành động một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác từ thiện trong thời gian tới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Không thể để diễn ra như thế mà không có câu trả lời cuối cùng”, đại biểu đoàn Quảng Nam nói.

Đại biểu Bình cũng đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ tình hình hình tội phạm gây rối trật tự công cộng trong năm 2021 tăng 18,3%, tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng 20,8,8%.

“Đây là 2 loại tội phạm, vi phạm tăng đột biến trong thời gian này”, ông Bình nhấn mạnh và đề nghị, làm rõ bao nhiêu vụ liên quan đến phòng chống dịch, bao nhiêu là các lý do khác, vì sao tăng đột biến như vậy, để từ đó đề ra giải pháp?

Đề nghị thanh tra, kiểm toán lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế, đóng góp làm từ thiện

Từ điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hoà đánh giá, trong năm 2021, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Đ.X

Theo ông Hòa, tình hình sắp tới sẽ “sống chung an toàn” với dịch COVID -19, tội phạm dự báo sẽ tiếp tục phát sinh ở các lĩnh vực. Tình hình tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn phổ biến.

“Để phòng ngừa, ngăn chặn đạt hiệu quả, đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng.

Tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây xảy ra trong mua sắm thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, đóng góp của nhân dân trong công tác từ thiện”, đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu.

Chiều qua (23/10), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Trong báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý về hoạt động từ thiện.

“Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định:

Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. 

Hương Giang