Ngày 6/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, TP trong cả nước.

Có biểu hiện sợ trách nhiệm

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tình hình tổ chức triển khai 34 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước kỳ họp thứ 5 (tháng 6), cũng như kế hoạch triển khai các luật thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Theo ông Lê Minh Khái, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Các bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác này.

Dù vậy, ông Khái thừa nhận công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn “chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao”. Đến nay, vẫn còn 11 văn bản nợ ban hành để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ.

Nói về nguyên nhân, ngoài số lượng văn bản pháp luật phải xây dựng lớn, Phó Thủ tướng nêu, một số trường hợp, cơ quan chủ trì chưa thực sự chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng.

Đáng lưu ý, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi, theo ông Lê Minh Khái.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: P.Thắng

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong xây dựng pháp luật.

Đề cập đến giải pháp, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao” của Luật Tổ chức Chính phủ.

Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật cũng là giải pháp được Chính phủ đưa ra.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Đánh giá tình hình triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, các cơ quan từ Quốc hội cho tới Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, bộ, ngành, địa phương đã “quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống”.

Dù vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết của Chính phủ còn chậm. Ông cũng nhắc lại tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục khi tới ngày 23/8, vẫn còn 11/50 văn bản còn “nợ’, chiếm tới 22%.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: P.Thắng

“Trong đó, một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, chỉ có 9 văn bản (23%) được ban hành đúng thời hạn”, ông Nguyễn Khắc Định cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý, một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển…

Những tồn tại, hạn chế trên, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nguyên nhân trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, dù Thủ tướng đã yêu cầu nhưng tới nay chỉ có 8/28 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra, ông Định nhấn mạnh đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật”, ông Nguyễn Khắc Định nêu.

Xử nghiêm các vi phạm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị ở đầu cầu nhà Quốc hội. Ảnh: P. Thắng

“Phải chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm”, theo lời Phó Chủ tịch Quốc hội.

Với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quá trình triển khai thi hành, Chính phủ lưu ý một số vấn đề quan trọng hoặc đang có nhiều vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả.

“Việc áp dụng các quy định mới của Luật Đấu thầu để tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm; việc phân cấp cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt”, ông Nguyễn Khắc Định dẫn chứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. “Cần đặc biệt lưu ý các mốc thời gian trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện đúng quy định về cách tính tỷ lệ phiếu để bảo đảm khách quan, chính xác…”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Hội nghị tập trung quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng trong các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; đánh giá kết quả tổ chức triển khai, xem xét những vấn đề khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, thống nhất về yêu cầu, nội dung triển khai nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Hương Giang