Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

“Đã là TP đáng sống thì bây giờ phải đáng sống hơn

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết sẽ đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng.

Theo đó, TP Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Cấp TP có HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính là UBND.

UBND quận, phường gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường.

Riêng huyện Hoà Vang và các xã của huyện này thì vẫn tiếp tục duy trì cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND. 

Cho ý kiến, ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho rằng, bộ máy cần phải tinh gọn cả cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan chính quyền hành chính (UBND).

“Bộ máy Nhà nước phải mang tính chuyên nghiệp và hướng xây dựng chính quyền điện tử, nhưng không phải vì thế những quan hệ với nhân dân bị hạn chế mà cần trực tiếp hơn. Tôi đề xuất phải thí điểm việc dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND để người dân trực tiếp lựa chọn được người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng phải đặt ra trong phạm vi thí điểm sao cho có hiệu quả”, ĐB Kim góp ý.

Theo ĐBQH đoàn Hải Dương, “đã là TP đáng sống thì bây giờ phải đáng sống hơn thì mới gọi là chính quyền nhân dân theo mô hình mới".

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng, phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho Chủ tịch UBND TP có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được.

“Tất nhiên trong hệ thống chính trị của chúng ta có Đảng bộ rồi đến HĐND. Tuy nhiên, để tạo điều kiện, tạo sức mạnh thì tôi cho rằng phải bầu trực tiếp người đứng đầu chính quyền”, ĐB Thắng nói.

Lo ngại hội chứng chứng xin "cơ chế đặc thù"

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho hay, khi ông đi tiếp xúc cử tri, người dân nói “kêu mấy ông HĐND không có hiệu quả gì vì mấy ông không thể nào giải quyết được những vấn đề đó, cuối cùng vẫn phải là UBND. Tới đây, những chuyện như thế đặt lên vai HĐND TP, nghĩa là HĐND TP sẽ thêm việc và cần được bầu thực chất hơn".

Từ đó, theo ĐB Nghĩa, bỏ HĐND quận, phường thì phải tổ chức HĐND TP theo cách khác thì nhân dân và ĐBQH mới yên tâm.

leftcenterrightdel
ĐBQH Tạ Văn Hạ. Ảnh: TN 

Ở góc độ khác, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt vấn đề, nước ta có 5 TP trực thuộc Trung ương, trong đó TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội đã có đặc thù và giờ là đến TP Đà Nẵng. Bây giờ, TP Hải Phòng cũng chuẩn bị, còn Cần Thơ nữa thì thế nào? Tại sao chúng ta không xây dựng một luật chính quyền đô thị, hay luật TP trực thuộc Trung ương?

Theo ĐB Tạ Văn Hạ, chúng ta đã có Luật Thủ đô, vậy tiến tới còn đặc thù ở các tỉnh, thành khác, dễ dẫn tới nhiều nơi cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất. Ví dụ như là Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng có nhiều đặc thù, cần phải có chính sách riêng cho các đối tượng của những vùng đặc thù này.

“Nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai người đấy xin, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến một hội chứng, đó là hội chứng xin cơ chế đặc thù”, ĐB Hạ nói và đề nghị Chính phủ cũng nên nghiên cứu, xem xét.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thì cho rằng, không thể nhân rộng thí điểm chính quyền đô thị kể cả có thành công. Theo ĐB, chúng ta chỉ theo hướng đưa các TP phát triển có điều kiện địa lý tự nhiên ưu thế hơn các tỉnh khác.

“Việc thí điểm với TP Đà Nẵng, tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng tại sao chúng ta lại không đưa 2 TP (Hải Phòng và Cần Thơ) vào để thực hiện luôn”, ĐB Thân phát biểu.

Hương Giang