Sáng nay 24/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có đề xuất thí điểm chính quyền đô thị tại địa phương này.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, cấp TP, huyện Hòa Vang, xã có tổ chức HĐND và UBND.

Còn ở cấp quận và phường thuộc quận tại TP thì không tổ chức HĐND chỉ có UBND quận, UBND phường.

“UBND quận, phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các quy định khác có liên quan, các nhiệm vụ quyền hạn được đề xuất thí điểm tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội và theo phân cấp, uỷ quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TP”, Bộ trưởng Dũng nói.

UBND quận, phường sẽ chỉ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an.

Những nơi thực hiện thí điểm, HĐND quận, phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc. UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND quận, phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập.

Theo Bộ trưởng, việc lựa chọn thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và tính chất quản lý đô thị nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít.

Chính phủ cũng đề xuất, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban nhất trí với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại TP Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.

Song, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc, vì việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường gồm 4 thành viên; làm rõ hơn về tính hợp lý và tính hiệu quả trong cơ chế làm việc của UBND quận, phường..

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở cấp quận, phường tại Đà Nẵng là hợp lý, "mức độ vừa phải và dễ kiểm tra, giám sát".

Tuy nhiên, theo ông Tùng, dự thảo nghị quyết chưa nêu rõ việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, người đứng đầu UBND quận sẽ do ai bổ nhiệm, cách chức...

"Thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát", ông Tùng góp ý.

Dự kiến dự thảo nghị quyết sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới. 

Theo tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2009-2016, TP Đà Nẵng đã được chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện, 45 phường và có kết quả tốt, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và người dân TP .

Tờ trình của Chính phủ cũng viện dẫn kết quả điều tra xã hội học của UBND TP Đà Nẵng (với 500 phiếu khảo sát) cho thấy, có 84% đồng ý không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường; gần 69% ý kiến của người dân cho rằng việc thực hiện thí điểm không ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền đại diện và làm chủ của người dân; 62,6% số người được hỏi đánh giá việc công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến người dân được tăng cường.

Còn theo kết quả điều tra xã hội học của UBND TP phối hợp với Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ thực hiện từ tháng 11-12/2019 (với 2.144 phiếu khảo sát) thì hơn 78% ý kiến cán bộ, công chức và 72,8% ý kiến của người dân đồng ý không tổ chức HĐND ở quận, phường.

Hương Giang