Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi chiều 24/6, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về việc áp thuế với mức thuế suất 5% với mặt hàng phân bón.

Nông dân đã lo lắng, sẽ lo lắng nhiều hơn nếu áp thuế VAT 5% với phân bón

 “Thuế VAT là loại thuế gián thu và người tiêu dùng hàng hóa là người phải chịu thuế. Điều này đồng nghĩa với việc, khi luật này được thông qua, người nông dân phải gồng mình trả thêm 5% thuế VAT cho số lượng phân bón do mình mua để sử dụng”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu.

Nông dân là đối tượng phải chịu sự tác động từ chính sách tăng thuế với mặt hàng phân bón, nhưng ông Tuấn cho rằng, họ chưa được quan tâm, khảo sát và đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Ông dẫn trong báo cáo đánh giá tác động của Luật Thuế VAT của Bộ Tài chính chỉ đề cập đến tác động tích cực của chính sách đến nhóm 2 đối tượng.

Đầu tiên là doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế để sản phẩm phân bón có đủ sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Thứ hai, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ thuế nhập khẩu phân bón.

“Như vậy là chưa đầy đủ và chưa có tính thuyết phục”, ông Tuấn nhận xét.

Đại biểu cũng cho hay, từ năm 2015 đến nay, mặt hàng phân bón không là đối tượng phải chịu thuế VAT. Nhưng mỗi lần tiếp xúc cử tri, nhất là tại các địa phương sản xuất nông nghiệp, người nông dân đều phản ánh “giá cả các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao”, đề nghị Nhà nước nghiên cứu, có giải pháp quản lý, hỗ trợ.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh). Ảnh: P.Thắng

“Trong khi những kiến nghị và lo lắng ấy vẫn còn hiển hiện thì chúng ta lại tiếp tục thảo luận để bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế với thuế suất 5%. Điều này chắc chắn sẽ làm cho người nông dân đã lo lắng, nay còn lo lắng nhiều hơn”, ông Tuấn nói.

Từ đó, đại biểu đề nghị có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng phải chịu thuế ở cả 2 góc độ.

Góc độ đầu tiên là tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

“Chúng ta không thể nhìn từ góc độ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mà bỏ qua tác động ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân sử dụng phân bón”, ông Tuấn lưu ý.

Ông Tuấn cũng đề nghị không tăng thuế suất thuế VAT với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào đối tượng được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, nhưng nông dân chịu thiệt

Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nói, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT thì “doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận; ngân sách Nhà nước tăng thu nhưng nông dân chịu thiệt”.

Dẫn một số ý kiến cho rằng áp thuế VAT 5% thì doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào sẽ giảm giá thành sản phẩm và giảm giá bán cho nông dân, nhưng ông Lâm cho rằng, “không có cơ sở”.

Theo ông, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất phân bón chính và đã hội nhập hoàn toàn với quốc tế. Trong nước sản xuất với giá thành bao nhiêu, cao hay thấp, doanh nghiệp cũng phải bán sản phẩm theo giá thị trường thế giới.

“Nếu giá trong nước thấp, doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu để thu lợi nhuận tối đa, không thể đòi hỏi doanh nghiệp phải hy sinh lợi ích chính đáng này của họ”, theo lời ông Lâm.

leftcenterrightdel
Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi. Ảnh: P.Thắng

Trong khi đó, người nông dân luôn phải mua vật tư theo giá thị trường thế giới, cộng thêm thuế nếu có. Cho nên, tăng thuế làm tăng chi phí đầu vào của nông nghiệp là điều hiển nhiên.

Từ phân tích trên, ông Lâm nhấn mạnh có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, chứ “không nhất thiết phải hy sinh lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, của ngành nông nghiệp, của khu vực nông thôn”.

“Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng phân bón cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết, nhưng không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân, không nên thu của người nghèo trả cho người giàu”, đại biểu đoàn Bắc Giang phát biểu.

Đưa ra phương án hỗ trợ, ông Lâm gợi ý đưa mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp và tàu đánh bắt xa bờ vào nhóm đối tượng chịu thuế suất 0%. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ được hoàn đầu vào mà không gây thiệt hại cho nông dân. Nhưng đổi lại, ngân sách hàng năm phải hoàn cho doanh nghiệp trên 1.500 tỷ đồng tiền thuế VAT đã thu từ các khâu trước.

Cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng khi áp thuế VAT 5% với phân bón

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, giá phân bón tăng thời gian qua là do chi phí đầu vào, vật tư… Do đó, nếu áp thuế VAT 5% với phân bón thì cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng. “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi, chứ không phải bị thiệt”, ông An nhận định.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: P.Thắng

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, theo ông An, còn nhiều phương án, chính sách khác nhau. Ông không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%.

“Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào 5%, mặt hàng nào là 10%”, ông An góp ý.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, làm Luật Thuế VAT năm 2008, rồi năm 2013-2014, chúng ta đã từng áp thuế với mặt hàng phân bón, nhưng sau bỏ và giờ lại đưa vào.

Ông cho hay, hiện sản lượng phân bón sản xuất trong nước chiếm 73,3%, còn nhập khẩu 26,7%, tức khoảng 4 triệu tấn/năm. Quy định áp thuế VAT 5% với mặt hàng này để bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Việc hoàn thuế, theo ông Phớc, cũng tạo nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển một cách bền vững. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Hương Giang