Dự kiến xóa nợ khoảng hơn 27 nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dù thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm, song vẫn còn cao. Tính đến ngày 31/12/2017, tổng số tiền thuế nợ là 78.466 tỷ đồng.

Trong đó số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng.

Từ tình hình trên, Chính phủ thấy cần thiết xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế.

Theo tính toán, tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành Nghị quyết khoảng 27.753 tỷ đồng.

Nhất trí với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết, song Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội còn không ít băn khoăn khi thẩm tra sơ bộ.

Đơn cử, dự thảo Nghị quyết quy định, xóa nợ, không tính tiền chậm nộp với “người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh...”.

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, sẽ có kẽ hở cho người nộp thuế lợi dụng, bỏ địa điểm kinh doanh đã đăng ký và chuyển trụ sở sang địa điểm kinh doanh ở địa bàn khác hoặc có thể thành lập pháp nhân mới ở địa chỉ khác để trốn thuế.

“Trong trường hợp rủi ro, bị cơ quan Nhà nước phát hiện sau nhiều năm và đề nghị truy thu số thuế nợ vẫn chỉ bằng số thuế khi bỏ địa chỉ kinh doanh. Do đó, cần cân nhắc việc xóa nợ hoặc miễn thu tiền chậm nộp đối với các đối tượng này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.

Cho ý kiến, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cần thiết ban hành nghị quyết, song, liên quan đến số tiền ngân sách lớn nên phải rà soát thận trọng, chặt chẽ, tránh để bị lợi dụng.

Lùi trình vào kỳ họp cuối năm

 “Phải làm rõ đối tượng nào được xem xét? Việc xem xét có hợp lý không và xét ở mức độ nào? Trách nhiệm của người nộp thuế thế nào, có trách nhiệm phải truy đến cùng chứ? Trách nhiệm của người thu thuế thế nào, tại sao lại để tình trạng nợ nhiều như thế? Rồi tác động của chính sách này như thế nào? Có dẫn tới hành vi trốn thuế sau này không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt một loạt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh Quochoi.vn

Ông Hiển băn khoăn, theo báo cáo của Chính phủ có hơn 620 nghìn người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế rất tùy tiện.

“Họ không đi đâu cả, thậm chí vẫn ở đấy, nhà cửa có, tài sản có thì sao lại xóa, trong khi số tiền không nhỏ, cũng hơn 21 nghìn tỷ”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói và đề nghị, bổ sung nguyên tắc, chỉ xem xét cho đối tượng chấp hành pháp luật nhưng gặp tình trạng bất khả kháng.

Ông lưu ý thêm, thực tế, có nhiều trường hợp lợi dụng đăng ký kinh doanh để sử dụng hóa đơn, gây những thiệt hại khủng khiếp khác. Cho nên, việc xóa tiền nợ thuế phải chặt chẽ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị, nên để sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi mới nghiên cứu xây dựng nghị quyết xử lý những vấn đề mà luật chưa bao quát hết.

“Phải đảm bảo công khai, công bằng, tránh tình trạng có người chây ỳ, gian lận để thời gian trôi đi thì được xoá thuế còn người nghiêm túc lại thiệt. Chúng tôi thấy rằng cần thời gian xem xét thận trọng hơn”, ông Định nêu quan điểm.

Đồng tình, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để bảo đảm thận trọng cần tập trung hoàn thiện dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để Quốc hội thông qua vào kỳ họp 7 (tháng 5/2019). Còn nghị quyết thì trình ra Quốc hội vào kỳ họp 8 (tháng 10/2019).

Bà Ngân nhấn mạnh, cần rà soát thật chặt chẽ, tránh tình trạng tạo thành tiền lệ xấu, lợi dụng chính sách để “lách” không nộp thuế.

“Có những trường hợp chết nhưng doanh nghiệp vẫn tồn tại hoạt động thì người thừa kế doanh nghiệp đó vẫn phải có trách nhiệm để nộp thuế, chứ không phải chết là được xóa. Phải phân biệt người nộp thuế nào chết thì được xóa, người nào chết vẫn tiếp tục nộp cho nhà nước để tránh tình trạng lợi dụng”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng ý rằng, nghị quyết này rất quan trọng nên phải làm thận trọng, chặt chẽ. Cho nên, xin lùi lại trình vào kỳ họp 8, sau khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thông qua.

“Số liệu cơ quan thuế theo dõi là khá chặt rồi, nhưng lúc nào chúng tôi cũng yêu cầu phải tiếp tục rà soát. Và điều đáng mừng là những năm qua thu nợ thuế đều tăng, tỷ lệ nợ đọng trên số thu đều giảm dần và giảm sâu”, ông Dũng nói.

Tư lệnh ngành Tài chính cam kết một lần nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm việc xóa nợ công bằng, công minh.

Hương Giang