Lý do miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế là vì bà Nguyễn Thị Kim Tiến đến tuổi nghỉ hưu (tính theo hành chính).

Sau khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển sang công tác làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

"Còn việc ai thay phải trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ thì Quốc hội mới xem xét, phê chuẩn", Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Được biết, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định vừa được Bộ Chính trị có quyết định phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng sẽ được miễn nhiệm thôi làm Bộ trưởng Y tế.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự. Theo đó, ngày 25/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định.

Toàn cảnh phiên họp báo

Tiếp đến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Quốc hội sẽ thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban Kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế vào chiều cùng ngày 25/11. 

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế (chức vụ này trước đó do bà Nguyễn Thị Kim Tiến đảm nhiệm) lãnh đạo toàn diện hoạt động của Bộ Y tế, trước hết, tập trung vào công tác cán bộ, đảm bảo sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác; đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Từ vụ  9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc, “dứt khoát lần sau không cho đi nhờ

Liên quan đến vụ 9 người đi theo đoàn Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở Hàn Quốc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc này cũng không phải đi cùng bởi không phải đi cùng đoàn mà đi theo Diễn đàn Kinh tế thương mại riêng.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Diễn đàn này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

“Đi cùng phải cùng đoàn, tôi dùng đi nhờ chuyên cơ. Mà đây không phải lần đầu tiên, các đoàn trước nay đều như thế cả”, ông Phúc nói và cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập danh sách và gửi cho cơ quan Bộ Công an để thẩm tra thân nhân từng người một, sau đó lập danh sách, rồi có đề nghị đến Văn phòng Quốc hội cho đi nhờ chuyên cơ.

“Ngay khi nhận thông tin, chúng tôi cũng đã kiên quyết gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất các đối tượng còn lại về, lập biên bản. Hàn Quốc phối hợp rất tốt việc này. Đây là danh dự và uy tín”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, visa này không phải visa ngoại giao, mà là visa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Công ty Du lịch Vietravel để cho các đối tượng này đi theo đoàn sang.

Từ  vụ việc này, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, “dứt khoát lần sau không cho đi nhờ, có thế thôi. Tôi cho biện pháp này là tối ưu nhất”.

Về danh sách 9 người bỏ trốn, ông Phúc cho hay, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cầm 9 hộ chiếu này, Bộ quản lý nên ông không biết.

Hương Giang