Vừa qua, 9 người đi cùng chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. Đến nay, 2 người đã về nước, 7 người vẫn bỏ trốn.

“Theo thông tin, Văn phòng Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bên liên quan, cơ quan chức năng Hàn Quốc tìm, trục xuất những người đang bỏ trốn về nước; đồng thời điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đến nay, Bộ Công an có thể thông tin danh tín những người bỏ trốn?”, báo chí hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, vụ việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi với báo chí, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã có trả lời ban đầu.

“Về phần mình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo đến báo chí sau”, ông Xô nói.

Không hài lòng với câu trả lời này, báo chí nêu, vụ việc này xảy ra từ năm 2018 và tiếp tục đề nghị thông tin về danh tính những người bỏ trốn, cũng như trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư trong việc lựa chọn doanh nghiệp đi cùng đoàn.

Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động bên lề các đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi nước ngoài là việc hết sức đúng đắn để các doanh nghiệp thực hiện kết nối hợp tác đầu tư kinh doanh.

Nhiều cơ quan được giao tổ chức các đoàn này, trong đó có Bộ Kế hoạch Đầu tư. Khi được giao, cơ quan chủ trì phải thực hiện quy trình lựa chọn doanh nghiệp theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư

“Chúng tôi khẳng định việc lựa chọn doanh nghiệp đi theo đoàn là có sự phối hợp với các cơ quan chức năng như cơ quan an ninh của Bộ Công an… để thẩm tra nhân thân các doanh nghiệp tham gia”, ông Trung nhấn mạnh.

Còn việc 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc, ông Trung thừa nhận là sự việc đáng tiếc và lần đầu tiên xảy ra, nhưng có tính chất nghiêm trọng.

“Là cơ quan chủ trì đoàn chúng tôi thấy có trách nhiệm. Chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm và rà soát là toàn bộ quy trình lựa chọn doanh nghiệp tham gia đoàn để làm sao siết chặt quy trình bảo đảm chặt chẽ, lựa chọn doanh nghiệp phù hợp”, Thứ trưởng nói.

Theo ông Trung, việc doanh nghiệp trốn, Bộ không lường trước được vì “động cơ, mục đích của người ta không thể nắm trước được”.

“Việc xảy ra vừa rồi, chúng tôi đã kiểm điểm trách nhiệm, trường hợp phát hiện sai phạm của cán bộ có liên quan đến lựa chọn doanh nghiệp thì sẽ xử lý theo đúng quy định”, ông Trung khẳng định.

Còn tại sao chưa cung cấp danh tính, ông Trung lý giải, các cơ quan chức năng kể cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành điều tra.

“Tại thời điểm này chúng tôi chưa có thẩm quyền để cung cấp thông tin danh tính về 9 người bỏ trốn. Khi nào có đầy đủ thông tin và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ đến cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ sát hại lái xe Grap, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Công an quận Nam Từ Liêm đã nhanh chóng khám phá vụ án và đã bắt được thủ phạm.

“Đây là một chiến công đáng biểu dương của lực lượng cảnh sát hình sự”, ông Xô nhấn mạnh.

Về giải pháp để giảm tội phạm, theo Thiếu tướng, Bộ Công an xác định là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc như “giảm được 1 nghìn tội phạm thì 1 nghìn người không phải đi tù, 1 nghìn gia đình không có tội phạm”.

Bộ Công an rất chú trọng đến giải pháp phòng ngừa chứ không phải chỉ khi vụ việc xảy ra. Vì vậy, năm 2019, Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã đề ra chỉ tiêu giảm ít nhất 3% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2018 và kết quả trong 9 tháng vừa qua đã giảm 6%.

Để giảm phạm pháp hình sự thì Bộ Công an đã bố trí lại lực lượng theo hướng tăng cường lực lượng cơ sở, đưa lực lượng chính quy về xã…

Hương Giang