Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian qua, UBND  Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quán triệt, phổ biến, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với từng cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai, phổ biến tới toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị trực thuộc.

Ngoài ra, công tác thực hiện các văn bản của hoạt động PCTHTL đã được triển khai trên toàn thành phố và đã thu được những thành công đáng kể nhờ sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong đó có vai trò của ngành Y tế, Giáo dục... và các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

Bên cạnh đó ngành Y tế Thủ đô đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các Sở ban, ngành, các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người hiện đang hút thuốc lá điện tử là 0,6%. Năm 2022, kết quả điều tra có 45,9% đối tượng điều tra đã từng nghe về thuốc lá điện tử, trong đó có 3,5% đối tượng đã từng sử dụng và 0,6% đối tượng đang sử dụng thuốc lá điện tử. Có 3,6% đối tượng điều tra đã từng nghe về thuốc lá nung nóng, trong đó có 4,9% đối tượng đã từng sử dụng.

Cũng trong năm 2022, TP Hà Nội điều tra thực trạng hành vi nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở 7.583 học sinh từ 13 đến 17 tuổi, kết quả cho thấy có 6,7% học sinh có sử dụng thuốc lá (trong đó nam giới 3.640 em - 9,3%; nữ 3.943 em- 4,3%); có 5,8% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử (nam giới chiếm 8%, nữ giới chiếm 3,8%) và có tới hơn 85% số học sinh hút thuốc lá điện tử có sử dụng thuốc lá…

Ngoài ra, sau khi Luật PCHTL có hiệu lực, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành tổ chức in ấn, cấp phát và treo các pano truyên truyền truyền về PCTHTL, Luật PCTHTL tới 30 quận/huyện/thị xã và các sở/ngành trên thành phố. Bên cạnh đó, sản xuất 4.800 biển báo quy định cấm hút thuốc để phát cho các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn và các điểm công cộng trên địa bàn.

Từ năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội được Sở Y tế giao là đơn vị đầu mối nhận hỗ trợ kinh phí từ Quỹ PCTHTL và triển khai các hoạt động PCTHTL trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tham mưu cho Sở Y tế, gửi các văn bản liên quan đến các Sở, ngành trong quá trình triển khai các hoạt động PCTHTL như: tập huấn, truyền thông, điều tra… và luôn nhận sự tham gia nhiệt tình, nghiêm túc của các Sở, ngành.

Năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức 3 lớp tập huấn cho 109 cán bộ công an các xã/thị trấn về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL và công tác hướng dẫn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về Luật PCTHTL…

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện truyền thông cho 25.022 học sinh từ 13 – 17 tuổi tại 59 trường học trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp thông tin, phổ biến rộng rãi về các khái niệm, hậu quả của bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, các tác hại của các sản phẩm thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử và nung nóng nói riêng.

Để công tác PCTHTL hiệu quả,  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục có những giải pháp truyền thông sâu rộng tại cộng đồng thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả như truyền hình, Internet, mạng xã hội…

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử dành cho đối tượng học sinh, sinh viên và các quy định của pháp Luật về PCTHTL. Đồng thời ban hành các quy định chi tiết đối với ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Phối hợp với UBND các cấp, các ngành truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới khác cho người dân trên địa bàn quản lý. Thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành thuộc phạm vi quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

Phương Anh