Đào tạo trái phép tiêm filler, botox
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở đào tạo trái phép tiêm filler, botox. Đơn cử, cơ sở Green Skin Center tại địa chỉ 59 Bạch Đằng, Phường 2, quận Tân Bình. Qua kiểm tra tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có hơn 20 người tham gia khóa đào tạo trái phép tiêm filler và botox.
Thời điểm kiểm tra (tháng 5/2024), những người tham gia khóa đào tạo trái phép này cho biết đăng ký tham gia lớp do đọc được thông tin quảng cáo từ tài khoản Facebook có tên “Trung tâm căng chỉ Colagen Green”. Một số người khác được bạn bè từng tham gia các khóa đào tạo trước đó giới thiệu.
Theo Thanh tra Sở Y tế, cơ sở Green Skin Center đã có hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thể người trái phép; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.
Cũng trong tháng 5/2024, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một cơ sở quảng cáo trái phép về cung ứng dịch vụ thẩm mỹ và đào tạo tiêm filler, botox, hoạt động tại số 142 Hoa Lan, Phường 2, quận Phú Nhuận. Cơ sở này quảng cáo tổ chức khóa học tiêm môi không đau, thực hành mix botox chuẩn y khoa, dịch vụ nâng mũi chỉ collagen, tiêm combo full face…
Đoàn kiểm tra đề nghị cơ sở dừng quảng cáo, tổ chức các khóa đào tạo liên quan tiêm filler, botox không phép; tháo gỡ các nội dung quảng cáo tiêm filler, botox trên trang thông tin điện tử và hình ảnh quảng cáo tại cơ sở. Đồng thời, mời chủ cơ sở tiếp tục làm việc, xác minh làm rõ các nội dung liên quan đến đào tạo tiêm filler, botox.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Thanh tra Sở Y tế phát hiện một số trang mạng xã hội đăng tải các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và các chương trình đào tạo tiêm filler, botox; đào tạo căng chỉ thẩm mỹ và đào tạo liệu trình đẹp da có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại địa chỉ 145 Nguyễn Văn Đậu, Phường 5, quận Bình Thạnh.
Kiểm tra tại cơ sở, lực lượng chức năng ghi nhận có các phiếu thông tin khách hàng liên quan đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tại tầng 4 là nơi đào tạo thực hiện các kỹ thuật tiêm filler, botox; tầng 5 dùng làm phòng ở cho học viên.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 3 học viên (lưu trú tại tầng 5) đang chờ để được đào tạo và có các sản phẩm dùng cho kỹ thuật tiêm filler, botox được trang bị sẵn. Cơ sở chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc của những sản phẩm này…
Siết chặt quản lý hành nghề thẩm mỹ
Đầu năm 2024, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.H.T. (17 tuổi) bị biến chứng mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi tại một spa ở Đồng Nai. Bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mắt trái có dấu hiệu sụp mi, góc trong mũi có dấu hiệu sưng bầm, thị lực mắt bên trái âm tính, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Mắt theo dõi và điều trị sau đó…
Mặc dù cơ quan chức năng, các chuyên gia đã cảnh báo về tai biến do tiêm filler, botox, tiêm tan mỡ do thực hiện tại các cơ sở không được cấp phép... Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mua bán filler, botox vẫn diễn ra tràn lan, công khai.
Khảo sát tại một số trang mạng xã hội, ứng dụng mua bán trực tuyến cho thấy, các chất này được bán với nhiều mức giá, có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Tại một nơi rao bán và giới thiệu nội dung: Filluna filler soft (mềm) đầy khuôn mặt hốc hác, má baby giúp khuôn mặt trẻ trung, căng đầy; tạo hình khuôn môi căng mọng, quyến rũ, lên form dáng chuẩn, không sưng, không đau, không buốt…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ, khi tiêm các chất làm đẹp không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất dễ gặp các biến chứng từ nhẹ đến nặng. Khi có những biểu hiện bất thường sau khi tiêm filler, botox… như bị sưng tấy, đau nhức, áp xe, nhiễm trùng, sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tại Hội nghị “Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/8, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở nêu thực trạng: “Hiện nay, chỉ cần vào trang thương mại điện tử đã có thể dễ dàng mua botox, họ sẽ ship về tận nhà. Trong khi đó, nhiều trường hợp tiêm botox không rõ nguồn gốc đã bị biến chứng”.
Theo Thanh tra Sở Y tế, nguyên nhân sâu xa của việc làm đẹp không an toàn là do các cơ sở vì lợi nhuận cố tình vi phạm pháp luật; năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chưa được kiểm soát tốt; đào tạo thẩm mỹ, dạy nghề trái phép.
Trước những sự cố y khoa liên quan đến thẩm mỹ, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định rõ các nhóm giải pháp thực hiện như: Siết chặt đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định trong hành nghề thẩm mỹ; kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp luật trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ (bao gồm thuốc, vật tư, thiết bị y tế)…