Theo Bộ Y tế, nhiều năm qua, khám, bệnh chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người tham gia BHYT đang có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: Giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu...

Thống kê cho thấy, hiện nay, 89% dân số tham gia BHYT, hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh như khám thai, sinh đẻ, phục hồi chức năng, thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được quỹ bảo hiểm chi trả... Tuy nhiên, người có thẻ BHYT phải chi trả các dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT, tùy từng dịch vụ là 5%, 20% tổng chi; chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (tuyến tỉnh, Trung ương); chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật (có trong danh mục BHYT); phần chi phí chênh lệch khi khám, chữa bệnh theo yêu cầu…

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh BHYT Nhà nước chỉ đáp ứng dịch vụ cơ bản còn một loạt dịch vụ y tế khác nữa, người dân đang phải chi trả tiền túi, thì việc có mặt của BHYT thương mại vào BHYT Nhà nước sẽ bù vào khoảng trống giữa BHYT Nhà nước với chi phí thực tế. Các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT, đồng thời thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh.

“Hiện nay sự hoạt động của doanh nghiệp BHYT thương mại không mới, và phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm cho trường hợp bị thương tật, tai nạn, ốm đau… Khi có hai nguồn BHYT Nhà nước và BHYT thương mại sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung. Ở Úc, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, các gói sản phẩm theo yêu cầu.

Theo ông Lê Văn Khảm, để làm được điều đó, cần có một quy trình trong kết nối liên thông giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại. Đây là một lĩnh vực mới Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất để xây dựng đề án trình Chính phủ, bảo đảm tính công bằng, phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao cho người dân khi tham gia.

Nhận định về lợi ích của việc liên thông giữa hai loại bảo hiểm, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, để hai loại hình bảo hiểm mang lại hiệu quả cao nhất khi liên kết, cần phải nghiên cứu để tránh sự chồng chéo vì khi đã có một bên chi trả thì bên kia không thể chi trả.

Phương Anh