100% các trạm y tế có đủ trang thiết bị theo quy định đảm bảo đạt TCQGYTX như máy siêu âm, nồi hấp, máy điện châm, đèn hồng ngoại, dụng cụ sản khoa…Các trang thiết bị đều được đưa vào sử dụng có hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Các trạm y tế đã thu hút được nhiều người dân đến khám chữa bệnh, trung bình từ 30 - 50 người bệnh/ngày. 100% trạm y tế có đủ cán bộ và cơ cấu cán bộ theo quy định. 100% các trạm y tế có bác sĩ công tác tại trạm với 502 bác sĩ biên chế tại các trạm y tế, trong đó, có 400 bác sĩ đa khoa đã được đi đào tạo có chứng chỉ bác sỹ gia đình của Trường Đại học Y Hà Nội, số còn lại là bác sĩ đông y và y học dự phòng nên chưa đủ điều kiện để cử đi đào tạo.

Đối với những trạm chưa có bác sĩ biên chế của trạm được tăng cường bác sĩ từ TTYT, phòng khám đa khoa, bệnh viện mỗi tuần 2-3 buổi để khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cho đến nay, 100% các trạm y tế thực hiện quản lý sức khỏe cho người dân và thực hiện khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo nguyên lý y học gia đình. 

Kết quả, tính đến hết năm 2018, tuyến y tế cơ sở đã khám cho 2.961.028 lượt người bệnh 4.520 ca đẻ tại trạm y tế. Các trạm y tế tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh; ứng dụng, kế thừa bài thuốc, phương pháp điều trị hiệu quả, bảo tồn cây thuốc quý tại địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các phòng khám đa khoa cơ bản đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhiều phòng khám đã thu hút từ 180 - 250 người bệnh/ngày như Phòng Khám đa khoa Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), Đa Tốn (huyện Gia Lâm).

Thực hiện sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng cho người dân trên 40 tuổi trên địa bàn thành phố với 415.186 mẫu, kết quả dương tính là 21.451 (5,42%). Từ năm 2017, TP Hà Nội tổ chức lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cho người dân, đến nay đã đạt 6.385.236 (82,92%) người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Trong công tác y tế dự phòng, TTYT quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các trạm y tế thực hiện hiệu quả công tác giám sát dịch tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố ổn định, không bùng phát các vụ dịch lớn.

Công tác tiêm chủng luôn được duy trì đạt tỷ lệ cao trên 95% với 8 loại vắc xin. Các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin được tổ chức hiệu quả ngay khi có nguy cơ bùng phát dịch. Nhờ đó đã làm giảm đáng kể các loại bệnh có vắc xin tiêm chủng, duy trì được thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi.

Một số hoạt động y tế khác cũng được tuyến y tế cơ sở thực hiện tốt trong năm vừa qua như: Phòng chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống tai nạn thương tích, dân số - kế hoạch hóa gia đình...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tuyến y tế cơ sở vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn cần khắc phục ngay như: Chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, do vậy nhiều năm Hà Nội rất khó khăn trong việc tuyển dụng bác sĩ về công tác tại trạm y tế. Tỷ lệ chi từ Quỹ bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh tuyến cơ sở còn thấp - khoảng 5%, trong khi khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở lại chiếm khoảng 30% tổng số khám chữa bệnh của toàn thành phố. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế để duy trì TCQGYTX ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội còn khó khăn.

P.V