Từ lâu, Chèo cổ Bắc Giang là một trong “tứ chiếng” lưu danh trong lịch sử nghệ thuật Chèo ở nước ta. Bắc Giang nổi danh những vùng chèo truyền thống như Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên... loại hình này thường gắn với hoạt động các đền, đình, chùa, am miếu... Những phường chèo này hầu hết đều do nhân dân tự lập nên, diễn viên vừa làm ruộng vừa tham gia các phường chèo. Cùng với đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh, nhờ được quan tâm và hỗ trợ, chèo truyền thống ở các làng, xã cũng đang dần được phục hồi và phát triển.

Tại các huyện Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang vẫn còn một số đội chèo cổ, đã dựng được nhiều tiểu phẩm mới. Riêng huyện Lục Nam tuy ít làng chèo truyền thống nhưng phong trào hát chèo mới đang phát triển mạnh. 

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là Chèo.

leftcenterrightdel
Trong nghệ thuật Chèo truyền thống Bắc Giang có đến hàng trăm làn điệu được gìn giữ, thấm trong máu thịt, trong đời sống tinh thần nơi thôn dã. Ảnh: Đông Khánh 

Nghệ thuật sân khấu Chèo đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỉ 10 tới nay, đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: Lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong Cchèo có đầy đủ các thể loại văn học: Trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn....

Từ năm 2021, nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ bao đời nay hát Chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: Hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo.

Nghệ thuật Chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn Chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở Chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở Chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc. 

Đã từ lâu, nghệ thuật Chèo đối với người nông dân vừa là sân khấu, vừa là thơ ca và âm nhạc và là nguồn duy nhất trong đời sống tinh thần của mình. Trong các vở Chèo cổ thường vạch mặt bọn quan lại phong kiến và thực dân áp bức giống nòi. Ở các vở diễn, người nông dân thấy được sự phản ánh đời sống của mình với những mặt tích cực và phản diện, những ước mơ và ý niệm của mình về cái thiện và cái ác. Mọi người đã yêu và càng yêu nghệ thuật Chèo bởi tính nhân đạo và sự tươi mát của nó, và bởi nó mang màu sắc dân tộc độc đáo.

Cũng như nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Bắc Giang hát Chèo gắn liền với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian được đông đảo cư dân nông nghiệp say mê, bảo lưu mạnh mẽ, nhất là trong các cuộc lễ hội. Bắc Giang có trên 500 lễ hội truyền thống, được coi là đất diễn cho các chiếu Chèo phát triển phong phú như: Làng Đồng Quan (Yên Dũng); làng Then (Lạng Giang); làng Hoàng Mai (Việt Yên); làng Bắc Lý (Hiệp Hòa)...

Trong nghệ thuật Chèo truyền thống Bắc Giang có đến hàng trăm làn điệu được gìn giữ, thấm trong máu thịt, trong đời sống tinh thần nơi thôn dã. Nghệ thuật Chèo đang tồn tại và phát triển trong hàng trăm năm nay với nhiều tác phẩm kinh điển như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Thị Mầu, Suý Vân... được các nghệ nhân kế tục, sáng tạo và truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Cùng với những bước thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật Chèo truyền thống luôn phát triển mạnh mẽ, cũng có lúc tạm lắng xuống. Song không thể phủ nhận nghệ thuật Chèo đã từng có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân.

leftcenterrightdel
Nghệ thuật Chèo truyền thống ở Bắc Giang là cả một kho tàng rất phong phú và đa dạng, được phân bổ rộng khắp trong toàn tỉnh. Ảnh: Xuân Thỏa 

Tỉnh Bắc Giang hiện nay có khoảng 40 câu lạc bộ (CLB) cùng hàng chục đội Chèo nằm ở hầu hết các huyện, thành phố. Trong số này, rất nhiều CLB giàu truyền thống, hoạt động như một đội nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo dựng được danh tiếng trên các chiếu chèo trong vùng nhờ khả năng biên đạo, dàn dựng và tổ chức luyện tập, biểu diễn. Cụ thể như CLB Chèo thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng), ở huyện Tân Yên, CLB Chèo làng Hạ, xã Cao Thượng, hay như CLB Chèo Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) thu hút đông đảo rất nhiều thành viên tham gia.

Đã từ lâu, huyện Yên Dũng được coi là một trong những cái nôi của chiếng Chèo xứ Bắc, nổi danh với những làng Chèo cổ như: Làng Tân Độ (xã Tân Liễu), làng Đồng Nhân (xã Đồng Phúc), làng Tân Ninh, Bắc Am (xã Tư Mại)… Từ cái nôi hát Chèo của đất Yên Dũng đã sản sinh ra nhiều lớp nghệ nhân hát Chèo nổi tiếng khắp vùng. Những năm đầu thế kỷ XX, trên đất này đã tự hào có những ông trùm Chèo như: Đinh Văn Cán, Nguyễn Mạc… vang danh khắp các vùng.

Ngày nay, nghệ thuật hát Chèo được phần lớn người dân lao động yêu thích bởi chèo miêu tả cuộc sống bình dị và khát vọng sống thanh bình của người dân nông thôn. Trong nội dung các tích Chèo cổ, cái thiện luôn thắng cái ác. Thông qua các nhân vật hề chèo hóm hỉnh, thông minh, nhân dân ta đã đả phá những tên quan tham vô lại, ngu dốt. Theo ước tính, hiện nay có khoảng trên 200 làn điệu Chèo, nhưng có một điều đặc biệt là hát Chèo không cần cấu trúc cố định, người hát Chèo được phép tự do bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Chính những đặc trưng ấy khiến cho những người nông dân sau một ngày lao động vất vả, bề bộn lo toan sẽ cảm thấy thanh thản và yêu đời hơn khi đến với chiếu Chèo.

Văn Kế