Đua ghe Ngo là một trong những hoạt động sôi nổi, hấp dẫn không thể thiếu trong ngày lễ Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam bộ, được tổ chức vào tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer, thu hút đông đảo người tham gia cũng như du khách đến cổ vũ.

Ghe Ngo (Tuk Ngô) nguyên thủy là chiếc thuyền độc mộc, được làm từ thân cây sao. Ngày nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài trở nên rất khó, nên người Khmer đã dùng những miếng ván từ cây sao để đóng ghe Ngo.

Mỗi chiếc ghe Ngo có chiều dài khoảng 25 - 30m, được làm gần giống hình con rắn. Phần đầu và đuôi ghe (còn gọi là sau lái) đều được uốn cong lên. Ghe Ngo được trang trí các hoa văn sặc sỡ, đầu mỗi ghe có hình một con thú biểu tượng, có thể là hổ, voi, sư tử, rồng…

leftcenterrightdel

Lễ hội thu hút đông đảo người tham gia và du khách đến cổ vũ. Ảnh: XL 

Một đội đua ghe Ngo thường có 24 - 27 cặp tay chèo (48 - 54 người), cùng với một người cầm lái. Đứng giữa ghe là một người điều khiển giữ nhịp chèo, được ví như “nhạc trưởng” của đội ghe. Người điều khiển chính ngồi ở đầu ghe, là người không chỉ có uy tín trong cộng đồng mà còn phải có nhiều kinh nghiệm trong thi đấu.

Để ghe Ngo di chuyển nhanh trong thi đấu, người Khmer đã dùng 1 hoặc 2 cây dài buộc chặt vào giữa ghe, gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này thường được làm từ thân cây tràm vì có độ dẻo cao, có tác dụng như đòn bẩy, giúp cho ghe có sức bật tốt hơn khi chèo.

Vì ghe Ngo được tạo dáng như hình con rắn dài, phần đầu và đuôi ghe đều cong, khi chèo nếu động tác phối hợp không nhịp nhàng sẽ khiến ghe dễ mất thằng bằng và bị lật chìm. Vì thế, các tay chèo phải ra sức tập cho thuần thục. Người được chọn để chèo ghe Ngo là những thanh niên khỏe mạnh, quen với môi trường sông nước, biết chèo ghe thành thạo và có sự phối hợp nhịp nhàng cùng đồng đội.

Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, ghe Ngo có giá trị to lớn về văn hóa tín ngưỡng, là tài sản quý giá và thiêng liêng, đại diện cho phum sóc (đơn vị cư trú của người Khmer như xóm, làng). Do vậy, ghe Ngo bao giờ cũng được bảo quản cẩn thận, có nhà riêng để ghe trong khuôn viên của chùa. Nhà ghe có mái che, dàn đà cao chắc chắn để che mưa nắng và phòng mối mọt, đây là nơi thiêng liêng, ngày xưa phụ nữ không được đến gần.

Người Khmer tin rằng, ghe Ngo là vật thiêng liêng nên mọi hoạt động liên quan đến ghe Ngo đều phải làm lễ cầu xin, như lễ khởi công làm ghe Ngo, lễ khánh thành ghe, lễ mặc áo cho ghe Ngo… Mỗi lễ đều có những quy định cụ thể về lễ vật, nghi lễ cũng như vị trí đặt lễ, người cử hành lễ và người tham dự lễ.

Trước mỗi lần thi đấu khoảng một tuần, các chùa thường tổ chức lễ hạ thủy ghe Ngo. Lễ này đối với đồng bào Khmer có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa mang yếu tố truyền thống, vừa mang yếu tố tâm linh, thể hiện niềm tin của người Khmer vào lực lượng siêu nhiên, vào vị thần nắm giữ vận mệnh, quyết định sự thành bại của ghe đua.

leftcenterrightdel

Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Ảnh: XL 

Lễ vật chính của buổi lễ là “Slath thor” làm bằng quả dừa (Slath thor Đôn) hoặc thân cây chuối (Slath thor Chek) để cắm nhang và nến. Dọc 2 bên ghe đều cắm “Slath thor”. Ở đầu ghe, giữa ghe và mũi ghe đều có chỗ đặt mâm bánh, trái cây, đầu heo hoặc gà, vịt tùy theo từng chùa. Đến giờ định, vị sư cả và đại diện phum sóc chọn làm chủ lễ sẽ khấn nguyện vị thần bảo hộ ghe Ngo đi theo giúp sức để ghe giành chiến thắng trong các cuộc thi.

Đua ghe Ngo đã trở thành lễ hội lớn của đồng bào Khmer. Mỗi chiếc ghe Ngo là do một ngôi chùa làm, đại diện cho một hay nhiều phum sóc tạo ra và tham gia tranh tài. Các phum sóc hay chùa của đồng bào Khmer đều có đội đua ghe Ngo, được tuyển lựa từ những thanh niên khỏe mạnh trong vùng để tập luyện, đi thi đấu mỗi dịp lễ hội.

Những năm gần đây, lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam bộ ngày càng phát triển, được Đảng, Nhà nước quan tâm, nâng tầm thành cấp khu vực, cấp quốc gia. Những chiếc ghe Ngo có màu sắc sặc sỡ và hoa văn bắt mắt, cùng sự hò reo cổ vũ của các cổ động viên đã mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, với đồng bào Khmer vẫn là bảo tồn giá trị văn hóa lễ hội truyền thống, độc đáo của dân tộc mình.

Nhật Huyền