Mở đầu buổi lễ, các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức dâng hương, dâng hoa, tấu chúc văn tưởng nhớ Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Sau các nghi thức truyền thống, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá đã đọc diễn văn kỷ niệm 702 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Nhà sử học Lê Văn Hưu (SN 1230) ở làng Phủ Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (1247) đời vua Trần Thái Tông và được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện giám tu, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải, tương đương với chức Thượng thư bộ binh sau này.

Trong thời kỳ làm quan của mình, ông được biết đến là người có học vấn uyên thâm, đức độ hơn người, được vào cung theo lệnh của vua Trần Thái Tông, giảng sách cho hoàng tử Quang Khải. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Lê Văn Hưu đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn không chỉ của người Thanh Hoá mà nhiều nơi trong cả nước.

Không chỉ là nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII, XIV, Lê Văn Hưu còn là người đặt nền móng cho Quốc sử dân tộc. Bằng sự tinh anh và tài trí, ông đã soạn nên bộ “Đại Việt sử ký” lưu truyền cho muôn đời. Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào “bảng vàng” danh nhân văn hoá Việt Nam, trở thành niềm tự hào của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa Thiệu Hoá nói riêng và Thanh Hóa nói chung.

Phát huy truyền thống hiếu học và những cống hiến to lớn của Nhà sử học Lê Văn Hưu cùng với sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước, các thế hệ cán bộ, Nhân dân Thiệu Hóa đã và đang nối tiếp truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Sau các nghi thức phần lễ, lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đánh trống khai hội Lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu năm 2024. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Lê Văn Hưu - Danh nhân Khoa bảng xứ Thanh” gồm 3 chương, chương 1: Đất địa linh sinh thành trang tuấn kiệt; chương 2: Đại việt sử ký mở đầu cho Quốc sử Việt Nam; chương 3: Tiếp bước tiền nhân, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Văn Thanh