Tại Quyết định số 4568/QĐ - UBND, UBND TP Đà Nẵng vừa công bố xếp hạng di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp TP.

Di chỉ khảo cổ này nằm ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, ngày xưa có tên là “Cấm” thuộc xứ đất “Gò Dàng”. Trong quá trình khai phá, đã thu thập ở đây nhiều hiện vật điêu khắc Champa và sau đó chuyển về Công viên Tourane (Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày nay).

Năm 2011, người dân bản địa đã phát hiện một pho tượng cổ đầu người mình chim (thần điểu Kinnari) và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua 3 đợt khai quật, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được xem là tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ.

Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới; có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm vốn còn nhiều ẩn số.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho rằng, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là những thông điệp văn hóa quá khứ bị lãng quên do hoàn cảnh lịch sử. Những di tích, di vật tìm được đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Champa từ thế kỷ X - thế kỷ XII. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tới đây, TP Đà Nẵng đang tính phương xây dựng dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Đà Nẵng cũng đang tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng; kết hợp chặt chẽ với ngành Du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích.

Qua đó tìm ra giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất nhằm phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại.

 

 

Q. Thân - N. Phó