Chùa Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự, là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Câu thành ngữ “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích” lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ cho thấy nơi đây là một trong hai đạo tràng Quán Thế Âm lớn ở miền Bắc nước ta.

Nếu như chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là trung tâm lớn nhất, chốn tổ quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn thứ 2 trên tỉnh Bắc Giang, cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Thiền phái này.

Căn cứ vào dấu vết vật chất và thư tịch cổ còn lại ở khu di tích chùa Bổ Đà cho biết, đây là công trình tôn giáo được xây dựng và phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729), trụ trì chùa Bổ Đà là Phạm Kim Hưng đã tiến hành trùng tu, mở mang khu di tích và phát triển nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.

Chùa nằm bên bờ Bắc sông Cầu, cách Hà Nội khoảng 40 km về phía Bắc và cách thành phố Bắc Giang khoảng 15km. Chùa thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Đây là một trong những điểm dừng chân thú vị cho du khách khi đến với vùng văn hóa bờ Bắc sông Cầu.

Chùa thờ Thạch Linh thần tướng và Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnhBắc Ninh xưa).

Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.  

Quanh chùa có nhiều ngọn núi lớn như ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khám, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi vàng Bàn Cờ Tiên.

Phía xa là dòng sông Cầu bao bọc, quanh chùa rừng thông xanh tốt tạo cho chùa vẻ tĩnh mịch thanh tao và bầu không khí lúc nào cũng trong lành mát mẻ. 

Cảnh sắc Bổ Đà từng được người xưa ngợi ca bằng những câu thơ nôm:

 “Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng Lai kia cũng thế này mà thôi” 

Hay:
“Thứ nhất là chùa Đức La/Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng” 

Lối kiến trúc của chùa Bổ không hướng đến sự hoành tráng, nguy nga mà được thiết kế theo lối liên hoàn thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của tâm giới nhà Phật tạo sự độc đáo khác biệt so với các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc bộ. Chùa chính là khu nội tự với hàng chục dãy nhà lớn nhỏ được nối với nhau bằng các dãy hành lang, sân và khuôn viên chùa và được bao bọc bởi những bức tường đất cao và dày hàng mét. Các bức tường từ cổng vào, rào ngăn cách khu nội tự với vườn chùa đều được đắp bằng kỹ thuật trình tường đất, tiểu sành; khu vườn chùa với đủ loại cây trái sum xêu quanh năm xanh tốt tạo cho chùa vẻ thâm u, cổ kính và linh thiêng… 

Ngoài phong cảnh thiên nhiên thoáng đạt, lối kiến trúc độc đáo, Bổ Đà hiện còn là nơi lưu giữ những di sản vô giá đó là vườn tháp lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 tháp lớn nhỏ. Đây là nơi lưu giữ xá lị, tro cốt của hơn 1.200 vị sư tăng của Thiền phái Trúc Lâm. Các ngôi bảo tháp đều được kiến tạo bằng đá, gạch chỉ và bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản. Đa số các ngôi bảo tháp đều có tên nhưng do lâu năm nên nét chữ đã mờ phai nhiều. Trong lòng tháp thường có bia ghi bài vị và ghi thời gian sinh, hóa của các nhà sư vì vậy mỗi ngôi bảo tháp là những nguồn tư liệu chân thực giúp thế hệ sau này hiểu sâu sắc hơn về Thiền phái Lâm Tế nói chung và lịch sử chùa Bổ Đà nói riêng.

Một số hình ảnh về sự cổ kính và bình yên của chùa Bổ Đà một sớm tinh mơ:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

 

Nguyễn Kế