Vận hội mới từ cuộc làm việc lịch sử giữa lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ

7 nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IX được các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được những kết quả thiết thực, cụ thể, nâng cao được vai trò của tổ chức Hội, tập hợp đông đảo đội ngũ người làm báo. Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất trong nhiệm kỳ IX Hội Nhà báo Việt Nam là việc ngày 23/7/2013- lần đầu tiên- lãnh đạo Hội đã có cuộc làm việc với một trong những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để trình bày các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách, giúp các cấp Hội có điều kiện hoạt động tốt hơn để phát huy vai trò của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Tại buổi làm việc này, câu hỏi băn khoăn về việc cấp Hội địa phương phải xây dựng Điều lệ Hội riêng đã được giải quyết; Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc xây dựng đề án đào tạo chính trị, nghiệp vụ, công tác Hội cho hội viên trong giai đoạn 5 năm, đề án xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam trong hệ thống bảo tàng quốc gia, Đề án nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia, đồng ý việc tiếp tục đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao trong giai đoạn sau năm 2016 v.v… Có thể nói, kết luận của Thủ tướng về các vấn đề mà Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị đã mở ra vận hội mới để Hội Nhà báo Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ trong những năm tiếp sau.

Lãnh đạo Trung ương Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Chỉ thị 919- CT/TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 294/ TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ngày 23/7/2013. Nhờ đó, hoạt động của các cấp Hội được quan tâm hơn, được tạo điều kiện về vật chất và tinh thần. Các tỉnh, thành phố đều thống nhất với đề xuất của Hội để tổ chức Hội địa phương hoạt động theo Điều lệ của Hội Nhà báo Việt Nam, không xây dựng Điều lệ riêng theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ. Điều này cho phép Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất trong chỉ đạo, trong điều hành và hoạt động, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo lão thành nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2015). Ảnh: Sơn Hải
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí và các nhà báo lão thành nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/2015). Ảnh: Sơn Hải

 

Trung ương Hội đã tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động toàn khóa, các chương trình công tác hằng năm, các hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện… Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động Hội hằng năm được đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng chọn chủ đề trọng tâm, thiết thực, hướng tới khắc phục yếu kém. Cùng với việc củng cố đội ngũ, Cơ quan Trung ương Hội quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đồng thời hoàn thiện các đề án nhằm mở mang hoạt động và đảm bảo cơ chế hoạt động thống nhất.

 

Đ/c Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và đ/c Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh kỷ niệm với đại diện các cấp Hội xuất sắc tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Thành lập và Hội nghị thi đua toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam (21/04/1950- 21/04/2015).
Đ/c Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và đ/c Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh kỷ niệm với đại diện các cấp Hội xuất sắc tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Thành lập và Hội nghị thi đua toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam (21/04/1950- 21/04/2015).

 

Công tác xây dựng Hội và phát triển hội viên được đổi mới theo hướng tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả. Trong nhiệm kỳ qua, đã có thêm 3 Liên Chi hội, 40 chi hội được thành lập. Số người làm báo tự nguyện gia nhập Hội tăng nhanh. Tổng số hội viên hiện nay đạt trên 22.000, tăng trên 5.000 so với đầu nhiệm kỳ. Hiện cả nước có 270 tổ chức Hội, gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố với 12.188 hội viên; 19 Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội với 5.135 hội viên và 185 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội với 4.165 hội viên. Cùng với việc phát triển tổ chức Hội và hội viên, Hội đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả, xóa tên những tổ chức Hội và hội viên vi phạm quy định của Điều lệ Hội.

Điểm đặc biệt khởi sắc nữa trong hoạt động Hội là việc thời gian qua, Hội tăng tính chủ động tham gia với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đối với báo chí. Hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí đề xuất và được Quốc hội chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in từ 25% xuống còn 10%, góp phần giải quyết khó khăn cho hoạt động báo chí. Hội tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí; tham gia xây dựng Đề án Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025; dự án sửa đổi Luật báo chí…

Sự khởi sắc mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ

Nghị quyết Đại hội IX nhiệm kỳ 2010- 2015 đã nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí cho hội viên. Có thể nói, nhiệm kỳ IX đã hoàn thành khá xuất sắc nhiệm vụ này. Trung ương Hội, các cấp Hội đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ có hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc cử hội viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ ở Trung ương Hội, một số Hội Nhà báo tỉnh, thành phố còn phối hợp với khoa báo chí của các nhà trường, học viện mở lớp đại học báo chí tại chức cho các nhà báo địa phương. Các đơn vị chức năng của Hội như Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, Ban Nghiệp vụ đã khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nước và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của nước ngoài. Ban Nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tổ chức hơn 30 cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức bình quân 40 lớp/năm (hai năm gần đây 70- 80 lớp/năm) cho trên 5.000 học viên, tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ngày 23/07/2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ngày 23/07/2013.

 

Việc sử dụng hiệu quả kinh phí Chính phủ hỗ trợ cho các cấp Hội để sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao có tác động mạnh mẽ để nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thông tin báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí được sáng tạo theo cơ chế hỗ trợ này đã dự thi và được trao giải Báo chí Quốc gia. Bằng nguồn hỗ trợ này, Hội đã tổ chức gần 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên. Nhiệm kỳ qua đã có 5 câu lạc bộ nghiệp vụ được thành lập, nâng tổng số lên 15 câu lạc bộ.

Sự đổi mới trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên

Bên cạnh việc tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, nhiệm kì IX, công tác giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức chính trị- xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho hội viên được các cấp Hội thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao giải cho các tác giả đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VI. Giải Báo chí Quốc gia được thực hiện có hiệu quả. Chất lượng Giải từng bước được nâng cao, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao giải cho các tác giả đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VI. Giải Báo chí Quốc gia được thực hiện có hiệu quả. Chất lượng Giải từng bước được nâng cao, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định.

 

Trong đó đáng chú ý nhất là việc triển khai sâu rộng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện 9 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, tạo bước chuyển trong nhận thức của hội viên về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Từ cuối năm 2011, Ban Thường vụ Hội đã phát động toàn hệ thống Hội tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”. Đi đôi với việc giáo dục, Hội tăng cường công tác quản lý hội viên, kiểm tra, giám sát thực hiện các qui định về đạo đức của người làm báo.

Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh với các đối tác truyền thống

Nhiệm kỳ IX còn chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động đối ngoại của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội tiếp tục tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế theo đúng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại hiện nay mới dừng lại trong các đối tác truyền thống khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN (Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia). Hội đã và đang mở rộng sang đối tác ở các khu vực khác như Mỹ La tinh, châu Âu, coi đây là một kênh quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, đồng thời là cơ hội để tranh thủ các nguồn lực quốc tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên.

 

Đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925- 21/06/2015).
Đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925- 21/06/2015).

 

Hằng năm, Hội tổ chức các chuyến thăm trao đổi trên cơ sở thỏa thuận song phương với các Hội Nhà báo Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, có sự tham gia của đại diện các cấp Hội; đón tiếp các đoàn nhà báo các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Năm 2013 là năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Liên đoàn Báo chí Thái Lan, lễ kỷ niệm đã được tổ chức trang trọng tại hai nước. Ngoài hoạt động chung, một số Hội địa phương liên hệ với các tổ chức hội ở Thái Lan, Hàn Quốc tiến hành các chuyến thăm tìm hiểu thực tế. Năm 2014, sau nhiều năm gián đoạn, Hội Nhà báo Việt Nam nối lại quan hệ với Hội Nhà báo Cuba, đón đoàn đại biểu cấp cao do Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu sang thăm Việt Nam và ký thỏa thuận hợp tác song phương, mở ra triển vọng quan hệ rộng rãi với các nước Mỹ La tinh.

Hội Nhà báo Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ). Tháng 9/2014, Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Giám đốc CAJ, tại đó Ban lãnh đạo CAJ đã quyết định trao quyền cho Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên đoàn lần thứ 18 và đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 2015- 2017. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch CAJ để chuẩn bị tiếp quản chức Chủ tịch CAJ vào năm 2015. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam được bầu làm Trưởng ban Giáo dục, đào tạo nghiệp vụ của CAJ.

Hội duy trì quan hệ hợp tác có hiệu quả với Viện KAS (CHLB Đức), Đại học Viên (CH Áo), Hiệp hội xuất bản Thế giới (WAN- IFRA), Cục Phát thanh quốc tế (BBG) của Mỹ, Hiệp hội các nhà báo khoa học Thế giới (WFSJ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức được nhiều hoạt động liên quan tới nghiệp vụ báo chí. Các nhà báo Việt Nam hằng năm được tham gia chương trình tham quan, giao lưu nghiệp vụ giữa Nhật Bản và ASEAN.❏

Ðại hội lần thứ IX HNBVN diễn ra từ ngày 10-12/8/2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011, đồng chí Đinh Thế Huynh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Do yêu cầu công tác, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành HNB VN khóa IX (nhiệm kỳ 2010- 2015) ngày 27/3/2012, đã nhất trí để đồng chí Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch, và bầu đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân tiếp quản chức Chủ tịch HNBVN.

Theo NB-CL