NHÀ BÁO NGUYỄN BÉ- ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HNBVN, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TỈNH CÀ MAU: “Đại hội X cần đưa ra những định hướng phát triển mạnh mẽ hơn

NHÀ BÁO NGUYỄN BÉ
Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam lần này, tôi kỳ vọng Hội Nhà báo Việt Nam cần đưa ra những định hướng phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là về quy hoạch báo chí và phản biện báo chí và một vài nội dung cụ thể như: nâng cao vai trò và tiếng nói của cấp Hội Nhà báo tại địa phương; nâng nguồn kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam cho Hội địa phương. Hiện nay, nguồn này vẫn còn thấp so với Hội Văn học Nghệ thuật, nên chưa kích thích hết tinh thần sáng tạo tác phẩm báo chí của anh, chị em hội viên. Hiện nay, anh em làm báo tại các Đài Truyền thanh huyện/thành phố vẫn chưa được thừa nhận là nhà báo nên phần đông những anh em này mang tâm trạng băn khoăn, trăn trở, mặc cảm với nghề. Cho nên, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam cần có những chủ trương, chính sách phù hợp đối với lực lượng làm báo đầy nhiệt tình và có quá trình cống hiến bền bỉ này. Nhiệm kỳ Đại hội Chi hội và Liên Chi hội quá ngắn, thời gian tới điều lệ nên sửa đổi nâng lên 5 năm bằng với Hội Nhà báo cấp tỉnh. Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất với Chính phủ để những người làm công tác Hội được hưởng kinh phí phụ cấp công vụ như tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp khác.❏

NHÀ BÁO MAI ĐỨC LỘC- ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ HNBVN, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TP. ĐÀ NẴNG: “Hoạt động của Hội Nhà báo các cấp cần thiết thực hơn

NHÀ BÁO MAI ĐỨC LỘC
Trước thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội và báo điện tử, trang thông tin điện tử…, thì việc thông tin chính xác và kịp thời là một thách thức lớn đối với nhà báo nói chung, hội viên nhà báo nói riêng hiện nay. Trước tình hình đó, chưa bao giờ đòi hỏi mỗi người làm báo, mỗi hội viên nhà báo phải không ngừng tự đổi mới và nỗ lực mạnh mẽ như bây giờ; trong đó có việc tự đổi mới về năng lực chuyên môn, đổi mới trong tự rèn luyện để nâng cao bản lĩnh, nhãn quan chính trị, đạo đức nghề nghiệp… Tuy nhiên, cùng với việc tự đổi mới của mỗi nhà báo, mỗi hội viên, mỗi cơ quan báo chí, thì Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cũng như ở từng cấp cũng phải có sự đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong tổ chức và hoạt động của mình. Trong đó, cần tập trung quan tâm làm sao cho hội viên nhà báo phải có sự khác biệt về chất với người không phải hội viên; không chỉ về năng lực nghề nghiệp mà cả bản lĩnh, đạo đức lẫn vị thế của người làm báo. Mỗi cán bộ, hội viên phải thực sự là người đi trước, đồng thời, hội viên nhà báo phải được trang bị thêm vốn kiến thức nghề nghiệp và phải được các cấp Hội Nhà báo bảo vệ một cách chu đáo, kỹ càng hơn để hoạt động theo đúng khuôn khổ của pháp luật và Điều lệ Hội. Hoạt động của Hội Nhà báo các cấp cần thiết thực hơn, để mỗi hội viên vừa có trách nhiệm đóng góp vừa mang niềm tự hào được là hội viên của Hội Nhà báo. Có như vậy, họ mới thiết tha, gắn bó với Hội và đóng góp nhiều hơn; từ đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Hội Nhà báo trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách hiện nay trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.❑

NHÀ BÁO LÊ TRỌNG NGHĨA- UỶ VIÊN BAN CHẤP HÀNH HNBVN, TỔNG BIÊN TẬP BÁO HẢI PHÒNG: “Phương hướng hoạt động của đại hội lần này cần tập trung hướng về các Hội địa phương

NHÀ BÁO LÊ TRỌNG NGHĨA
Chưa khi nào các cấp Hội Nhà báo có một hành lang hoạt động, phát triển rõ ràng, thuận lợi như hiện nay. Bên cạnh đó là sự lớn mạnh của các cấp Hội cả về lượng và chất. Tuy nhiên, vai trò, vị trí, chất lượng hoạt động của các cấp Hội chưa được như mong muốn của Hội viên và của các cấp ủy Đảng, chính quyền, xã hội. Có những cấp Hội địa phương, đơn vị có danh mà không có thực, yếu, kém… Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi trước hết là do chúng ta còn thiếu những giải pháp, cơ chế cụ thể hóa những nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về điều kiện hoạt động của các cấp Hội, nhất là các cấp Hội địa phương. Vì thế, hiện nay từ bộ máy, kinh phí cho đến trụ sở, phương tiện làm việc của các cấp Hội địa phương mỗi nơi một kiểu. Cũng chính vì thế, hiện nay việc thu hút, sắp xếp, bố trí những cán bộ có năng lực, tâm huyết, trẻ làm chuyên trách Hội ở các địa phương rất khó khăn. Tôi hy vọng đội ngũ lãnh đạo Hội các cấp nhiệm kỳ mới sẽ chỉ rõ và thực hiện cho được những giải pháp cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào thực tiễn hoạt động của các cấp Hội. Từ đó giúp cho hành lang hoạt động, điều kiện hoạt động của các cấp Hội, nhất là các cấp Hội tỉnh, thành phố ngày càng thông thoáng, thuận lợi và đồng nhất. Các cấp Hội địa phương mạnh thì Hội Trung ương mới mạnh. Phương hướng hoạt động, mục tiêu, giải pháp… trong các văn kiện của đại hội lần này theo tôi cần tập trung hướng về các Hội địa phương.❏

NHÀ BÁO VĂN CÔNG TOÀN- UỶ VIÊN BAN CHẤP HÀNH HNBVN, GIÁM ĐỐC VTV TẠI THỪA THIÊN HUẾ: “Cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cấp Hội

NHÀ BÁO VĂN CÔNG TOÀN
Có thể khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam các cấp thời gian vừa qua đã thực hiện được khá tốt nhiều việc, khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng của mình trong xã hội. Hoạt động Hội có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện và động lực cho hội viên, nhà báo có thêm nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng nước nhà. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của báo chí truyền thông trong tình hình mới thì yêu cầu đặt ra cho báo chí và công tác Hội Nhà báo là vô cùng lớn. Vì vậy, HNBVN trong nhiệm kỳ tới cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; nâng cao trình độ chuyên môn của người làm báo; Trong đó, cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp Hội. Bên cạnh đó, về tổ chức Hội cần mở rộng thêm nữa, vì đây là Hội nghề nghiệp nên đối với những người nhiệt tình, có nhu cầu thì Hội cũng nên cởi mở cho họ vào đóng góp sức lực, như thế sẽ làm cho Hội mạnh hơn… Tôi tin tưởng nhiệm kỳ mới của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện được nhiều điều kỳ vọng, mong đợi của hội viên… NGỌC LÀNH (Ghi)

NHÀ BÁO DƯƠNG PHƯỚC THU- PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI NHÀ BÁO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ: “Đại hội sẽ bàn đến những vấn đề trọng tâm về xây dựng Hội tới cấp cơ sở

NHÀ BÁO DƯƠNG PHƯỚC THU
Đây là nhiệm kỳ có nhiều khởi sắc với các hoạt động thiết thực, hiệu quả, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao ở cấp Trung ương. Nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ chung toàn quốc thì các cấp Hội cơ sở trực thuộc còn nhiều hạn chế, nhiều việc chưa làm được; một số Hội Nhà báo địa phương hoạt động chưa đều tay, chưa thiết thực, các hoạt động còn vênh nhau. Ở đây tôi muốn nói, tất cả các cấp Hội Nhà báo đều sử dụng chung một Điều lệ; chúng ta vừa là hội thành viên vừa có hội viên một cấp thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, song 63 Hội Nhà báo địa phương lại không thống nhất về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, thậm chí về con dấu cũng khác nhau. Cho nên dù có tổ chức triển khai các chủ trương của Trung ương thì mỗi Hội vẫn hoạt động một phách, tùy thuộc vào sự chỉ đạo, sự hỗ trợ của cấp ủy chính quyền địa phương và cũng tùy thuộc vào khả năng của cán bộ lãnh đạo từng Hội. Nhiều năm qua, mặc dù được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách, nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương quan tâm hỗ trợ đến Hội Nhà báo nhưng nhiều việc vẫn chưa thống nhất, chưa cụ thể, thậm chí chưa được triển khai. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra trong các hoạt động của Hội Nhà báo là phải thống nhất theo hệ thống để tạo nên sức mạnh của toàn thể hội viên và giới báo chí cách mạng… Trước thềm Đại hội X, với quy mô toàn quốc, tôi nghĩ Đại hội này sẽ thực sự dân chủ bàn đến những vấn đề trọng tâm về xây dựng Hội tới cấp cơ sở, và tôi kỳ vọng, tin tưởng vào một Ban Chấp hành khóa X năng động, sáng tạo sẽ có kiến nghị với Đảng, Nhà nước một cách sát thực, cụ thể hơn đến các cấp Hội Nhà báo địa phương về các mặt: chế độ chính sách, tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc… Và một điều quan trọng nữa, sau Đại hội, Điều lệ Hội khóa X nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tôi nghĩ đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng, tạo nhiều điều thuận lợi, để các địa phương có cơ sở quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho các cấp Hội Nhà báo trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và xây dựng, phát triển Hội trước tình hình mới.❏

NHÀ BÁO PHẠM VĂN MIÊN- TỔNG BIÊN TẬP BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN, CHỦ TỊCH LIÊN CHI HỘI NHÀ BÁO BỘ CÔNG AN: “Phải có quy chế để mỗi hội viên và cấp Hội nêu cao hơn trách nhiệm của mình” 

NHÀ BÁO PHẠM VĂN MIÊN
Nhiệm kỳ mới tôi mong muốn một điều là Hội Trung ương cần có quy chế trong thi đua, khen thưởng chặt chẽ để mỗi hội viên và các cấp Hội phải thấy rõ vinh dự và nêu cao trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên của Hội Nhà báo Việt Nam. Ví dụ như việc tham gia Giải Báo chí Quốc gia hàng năm. Thực tế rất nhiều Chi hội, Liên Chi hội, Hội các địa phương tham gia tích cực, nhưng bên cạnh đó, có không ít cấp Hội tham gia chiếu lệ, gọi là cho có tham gia. Thậm chí có một số Hội địa phương và Liên Chi hội không có tác phẩm dự thi. Khỏi phải nói nhiều về tác dụng to lớn của Giải Báo chí Quốc gia đối với hoạt động của những người làm báo, việc những đơn vị không hưởng ứng Giải, thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm với hoạt động của Hội. Vì vậy tôi đề nghị Hội cần đưa những việc này vào xét thi đua hàng năm; thậm chí khi xét kết nạp hội viên mới ở những đơn vị này cũng phải được cân nhắc. Đương nhiên, trong những năm tới thường trực Hội cũng cần quan tâm một cách cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên mỗi khi hội viên bị xâm hại trong khi tác nghiệp dù bất cứ hình thức nào. Hoặc cần cụ thể hóa các văn bản của Nhà nước để các cấp Hội có điều kiện hoạt động tốt hơn để tránh tình trạng “4 không” như hiện nay (không trụ sở, không kinh phí, không cán bộ chuyên trách và không có chế độ với người làm công tác Hội). Có như vậy mới phát huy trách nhiệm của mỗi hội viên và các cấp Hội với Hội của những người làm báo cả nước.

Theo NB-CL