Công tác chuẩn bị Đại hội chu đáo, nghiêm túc, đúng quy trình Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) hiện có hơn 22 ngàn hội viên, sinh hoạt tại 270 tổ chức Hội, trong đó có 63 HNB tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và 188 Chi hội trực thuộc Trung ương. Thực hiện Điều lệ HNBVN, các cấp Hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 5 năm đối với HNB tỉnh, TP và Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội và nhiệm kỳ 2 năm rưỡi đối với các Chi hội.

Thành công của Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội, trước hết từ công tác chỉ đạo, điều hành. Thường trực Thường vụ Hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, trong đó có Công văn số 685/CV-HNBVN, ngày 26 tháng 7 năm 2013 về việc điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội cho gần Đại hội X HNBVN; đồng thời, phân công các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, tổ chức các tổ công tác về cơ sở để theo dõi, chỉ đạo Đại hội. Quán triệt, thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội, trên cơ sở điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, Ban Chấp hành các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức cơ sở Hội và tổ chức Đại hội một cách chu đáo, kỹ lưỡng, đúng quy trình.

Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, không chỉ bằng các tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảng pano, apphich ngoài đường phố mà còn bằng những hành động thiết thực đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn… , tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần nâng cao hơn vị trí, vai trò của tổ chức Hội.

Báo cáo chính trị trình Đại hội, Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành đảm bảo chất lượng, nội dung ngắn gọn, đầy đủ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và những giải pháp mang tính khả thi cao. Công tác nhân sự Ban Chấp hành được chuẩn bị nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình, theo hướng lựa chọn, giới thiệu những đồng chí có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, nhiệt tình tham gia công tác Hội.

Phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, bàn thảo những vấn đề trọng tâm của báo chí, tổ chức Hội

Nhờ tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nội dung nên các Đại hội đều đạt kết quả tốt. Không khí thảo luận tại Đại hội sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện tinh thần dân chủ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Nhiều vấn đề trọng tâm đã được đưa ra tại Đại hội và được hội viên rất quan tâm, tham gia phát biểu ý kiến đầy trách nhiệm và tâm huyết, như: Làm thế nào để tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới; Hội Nhà báo tham gia vào việc quản lý, chỉ đạo báo chí như thế nào?; Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh; Sự phát triển của báo chí theo hướng truyền thông đa phương tiện, hội tụ công nghệ cao; Kinh tế báo chí và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức người làm báo… Từ những thành công của các mô hình, điển hình, từ những hạn chế, thiếu sót, Đại hội rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiệm kỳ tới để có những giải pháp thiết thực, mang tính khả thi cao.

Qua thành công của Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội, điều ghi nhận lớn lao nhất là niềm tin to lớn của những người làm báo đối với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào sự phát triển của đất nước Việt Nam trong thời kỳ mới và sức mạnh đồng thuận của hội viên trong việc được cống hiến trí tuệ, tài năng của mình, góp phần vào sự phát triển chung của nền báo chí cách mạng cũng như tổ chức Hội.

Một số vấn đề cần quan tâm

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, Đại hội nhiệm kỳ các cấp vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm. Trước hết là một số đơn vị chưa tuân thủ đúng quy trình tổ chức Đại hội theo quy định của Điều lệ Hội, chỉ báo cáo kế hoạch Đại hội với lãnh đạo địa phương hoặc cơ quan chủ quản mà không báo cáo Trung ương hội, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, chỉ đạo Đại hội cũng như chuẩn y kết quả Đại hội. Một số cấp Hội chuẩn bị Báo cáo chính trị dàn trải, thiếu tính khái quát, thiếu những giải pháp mang tính đột phá để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Các tham luận nặng về báo cáo thành tích, cá biệt có ý kiến đề cao vai trò cá nhân mình. Thời gian dành cho thảo luận và số lượng ý kiến phát biểu tại Đại hội ở một số cấp Hội còn ít, chưa tạo được không khí tranh luận sôi nổi.

Quá trình chuẩn bị nhân sự ở một số nơi chưa chu đáo, một số cấp Hội giới thiệu nhân sự chưa phải là hội viên. Đối với những trường hợp này, Ban Công tác Hội đã hướng dẫn cụ thể và đề nghị tổ chức Hội thay thế người khác. Công tác điều hành của đoàn chủ tịch có nơi còn lúng túng, chưa thống nhất.

Từ những thành công và cả hạn chế của Đại hội nhiệm kỳ các cấp sẽ là những bài học quý, góp phần tích cực vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo Hà Dương
(Trưởng Ban Công tác Hội)/NB-CL