Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhìn lại 5 năm qua, nhiều hoạt động thường xuyên được đồng bào các dân tộc tổ chức, tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động thường xuyên của đồng bào các dân tộc  đã tạo sức sống mới cho ngôi làng, thu hút ngày càng đông khách du lịch.

 Lượng khách từ 250 nghìn lượt khách năm 2015, đến năm 2018 đã tăng lên 550 nghìn lượt, năm 2019 đón tiếp 500 nghìn lượt khách. Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến Làng chỉ khoảng 170 nghìn.

Đặc biệt, trong 5 năm, 16 nhóm cộng đồng các dân tộc đã về tham gia nhiều hoạt động hàng ngày tại “ngôi nhà chung” (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam).

Theo Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban Quản lý đặc biệt quan tâm đến các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số ít người (dưới 10.000 người), vì vậy, đã phối hợp cùng với địa phương kết nối đưa các nhóm cộng đồng dưới 5.000 người về tham gia hoạt động tại làng, nhằm giúp đồng bào có môi trường thực hành văn hóa của cộng đồng mình.

Trong quá trình hoạt động, đồng bào dân tộc đã tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hoá của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan.

Đồng thời, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn tạo điều kiện để luân phiên đồng bào về thăm gia đình, luôn động viên kịp thời đối với các trường hợp điều kiện gia đình khó khăn và diện gia đình đặc biệt tại địa phương; quan tâm gắn kết, nắm bắt tâm tư tình cảm của các nhóm nghệ nhân để giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Thực tiễn hoạt động của các nhóm đồng bào trong 5 năm qua bước đầu đã nhận được sự đón nhận, hưởng ứng, quan tâm của du khách. Những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc đã cùng cộng hưởng, lan tỏa dưới “ngôi nhà chung”, thông qua các hoạt động chân thực, sống động được tái hiện dưới mỗi nếp nhà và trong những không gian văn hóa chân thực, ngày càng cuốn hút.

Tại hội nghị, đồng bào các dân tộc, các nghệ nhân cũng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sinh sống tại làng, từ đó đề cập đến những nguyện vọng, mong muốn nhằm tiếp tục tôn vinh những bản sắc văn hóa độc đáo, phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, gắn kết và phát triển du lịch.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TH

Phát huy kết quả của những nỗ lực trong 5 năm qua (2015 - 2020) về việc huy động đồng bào hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban Quản lý phấn đấu thực hiện mục tiêu “để chủ thể tự giới thiệu về mình” cùng với các địa phương, các cấp, các ngành, các nhóm đồng bào vững tâm bám làng giới thiệu văn hóa của địa phương, cộng đồng dân tộc mình. Theo đó, năm 2021, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ đa dạng hóa hình thức huy động, đề cao sự tham gia của địa phương; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, đồng bộ hóa, hoàn thiện không gian văn hóa, du lịch các làng dân tộc...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt ghi nhận hội nghị đã diễn ra nghiêm túc, với nhiều nội dung và các ý kiến đóng góp tích cực.

Theo Thứ trưởng, vấn đề chính là làm sao để Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của đồng bào các dân tộc và đông đảo du khách. Điều này sẽ được khái quát, thể hiện thông qua tái hiện không gian văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc tại làng.

 Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng yêu cầu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng các địa phương, đơn vị liên quan rà soát lại một cách cơ bản và lâu dài, kết hợp nguồn lực Nhà nước và xã hội để có những giải pháp hiệu quả.

Thải Hải