Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù đối mặt khó khăn thách thức về mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội do tác động của dịch Covid-19, Bộ TN&MT đã có những đề xuất rất kịp thời như: Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện đầu tư; đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường; khuyến nghị các địa phương giải pháp chủ động trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng.

Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài như: Nghị định số 25 tháo gỡ nút thắt liên quan đến giao đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất; Nghị định số 41 về gia hạn nộp tiền sử dụng đất; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Đặc biệt, Bộ đang hoàn thiện Nghị định Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai… trình Chính phủ tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn cho phát triển.

Bộ TN&MT chủ động, linh hoạt trong quá trình điều hành vĩ mô như xây dựng Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, đô thị để đón làn sóng đầu tư.

Bộ cũng ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn các địa phương trong tổ chức thực hiện, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận cho loại hình kinh doanh bất động sản du lịch…

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh.

Các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến 15/5/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước.

Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động, tăng trưởng mới của đất nước có thể kể đến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Mặc dù bảo vệ môi trường đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm; nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo được những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ.

Đáng chú ý, Bộ TN&MT đã chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các sở TN&MT, Bộ TN&MT; có thể theo dõi trên các thiết bị di động.

Đặc biệt, đã trình Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ môi trường với tư duy cách mạng, chính sách đột phá sẽ là quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trung tâm của quá trình phát triển bền vững.

Nhấn mạnh việc dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn năm 2016 nhưng thiệt hại chỉ bằng 1/10 so với năm 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành Khí tượng thủy văn đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khẳng định chuyển biến tích cực trong chỉ số đánh giá của người dân đã thể hiện những nỗ lực và quyết tâm rất lớn, Bộ trưởng nêu rõ, chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34% so với năm 2015. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực TN&MT ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%; chỉ số hài lòng về công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,82%...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng theo Bộ trưởng, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất nhiều, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng đề nghị hội nghị tập trung những vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết, những vấn đề mang tính chất ưu tiên của mỗi lĩnh vực. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư năm 2020, bao gồm cả vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4; tăng cường phản ứng chính sách; phát huy mọi dư địa, tiềm năng lợi thế của ngành, lĩnh vực cho tăng trưởng; tận dụng tối đa thời cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội.

Tiếp tục phương châm hướng về địa phương cơ sở, giải quyết, trả lời kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn; tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp để xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Thái Hải