Đến đảo Điệp Sơn những ngày này, chúng tôi chứng kiến tình trạng rác thải tràn lan, dày đặc ở các cầu cảng, khu dân cư, mặt biển và điểm du lịch. Tại cầu cảng Vạn Giã (điểm đón khách ra đảo Điệp Sơn) rác thải xuất hiện khắp mặt biển và khu vực neo đậu tàu thuyền. Nhiều điểm trên mặt nước biển, rác đã phân hủy và bốc mùi hôi nồng nặc, mỗi đợt tàu du lịch cập vào bờ sóng lại đẩy rất nhiều rác tràn lên bãi cát.

Theo ca nô, chúng tôi rời cảng Vạn Giã đến cụm đảo Điệp Sơn gồm 3 hòn đảo: Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Tại đây, tình trạng rác thải vương vãi khắp các khu dân cư ven biển, và các điểm du lịch, gây ô nhiễm cũng không kém khu vực ven bờ trong đất liền. Khắp mặt biển, cơ man hộp nhựa, chai lọ, túi ni-lông xanh, đỏ các loại vây kín ghe tàu đang neo đậu. Rác tạo thành lớp dày trên bờ cát.

Chị Lê Thị Mai, một người dân tại thôn Điệp Sơn, cho biết: Tôi sinh sống tại đảo Điệp Sơn cùng bố mẹ đã hơn 15 năm. Trước đây, đảo Điệp Sơn sạch và biển trong lành, khu dân cư không có rác ô nhiễm như bây giờ. Khoảng 5 - 7 năm nay, rác từ nhiều nơi trôi nổi, dồn về hòn đảo này, bao vây khu dân cư gây ô nhiễm nặng. Mặc dù chính quyền thôn phối hợp với doanh nghiệp du lịch trên đảo đã bỏ tiền ra thuê nhân công, vận động người dân dọn rác, xử lý rất nhiều lần nhưng vẫn không thể hết được. “Cứ mỗi đợt gió, rác từ ngoài biển lại tràn vào thôn đảo, dạt lên bãi cát. Có dọn rất nhiều đợt cũng không thể hết được rác ở đây. Trước đây, hàng ngày, người dân trên đảo đánh bắt cá, tôm, mực được nhiều lắm, chỉ ra biển là có cá mang về. Hiện nay, các loại hải sản ở đây ít dần, nhiều khi đánh bắt cả ngày cũng không được cá, chắc do ô nhiễm”. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Rác tràn ngập mặt biển, điểm du lịch ở đảo Điệp Sơn. Ảnh: Thanh Hòa

 

Anh Trịnh Minh Đại Anh, người đại diện quản lý điều hành Công ty TNHH Đầu tư du lịch Nha Trang Đông Đô, thông tin: Những ngày đầu (năm 2016) ra Điệp Sơn làm du lịch, nơi đây là một hòn đảo hoang, tràn ngập rác thải. Chúng tôi phải thuê trung bình 30 nhân công một ngày để dọn rác quanh đảo. Phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Từ đó đến nay đã hơn 6 năm, mỗi ngày có ít nhất 3 nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp.

Còn bà Đào Thị Long, chủ một doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên đảo Điệp Sơn, nói: Đảo Điệp Sơn cách đất liền xa, mất 15 - 20 phút chạy ca nô, nên việc thu gom rác trên đảo rồi chở vào đất liền để xử lý là rất khó khăn và tốn kém. Nhiều năm nay, việc kinh doanh du lịch trên đảo gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, mới đây là dịch Covid-19 nên khách ra đảo ít dần. Nguồn thu từ khách hạn hẹp, trong khi đó các nguồn chi trả nhân công, xử lý rác, vận hành ca nô đi lại rất lớn. Tuy kinh doanh du lịch gặp khó, nhưng với phương châm bảo vệ môi trường biển đảo, nói không với rác, hàng ngày đơn vị đều cử nhân viên đi dọn rác để chở vào đất liền xử lý. Tôi luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên thì mới níu giữ được du khách. Vì vậy, ngay từ đầu, đơn vị dựng các chòi, không gian nghỉ ngơi cho khách, tôi đã chọn những vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ, tre, mái lá, hạn chế sử dụng vật liệu bê tông cốt thép. Bên cạnh đó, luôn quyết tâm làm sạch môi trường biển, dọn rác không chỉ ở đảo mà còn phải dọn sạch rác ở các khu dân cư trên đảo. Rác trên đảo Điệp Sơn hiện nay rất nhiều, không phải một đơn vị du lịch có thể dọn hết được, mà cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và mọi người dân cùng đồng hành.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Thu gop rác ngoài đảo Điệp Sơn, chuyển vào đất liền xử lý. Ảnh: Thanh Hòa 

 

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, bức xúc: Tình trạng rác thải bao vây đảo Điệp Sơn là điều nhức nhối và ảnh hưởng rất lớn đến 100 hộ dân và các hoạt động du lịch trên đảo. Thôn có thuê 2 nhân công dọn rác trên đảo và trả lương 1,5 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên do rác nhiều, công việc dọn rác cũng rất mệt nhọc mà lương chỉ 1,5 triệu/tháng là rất thấp nên khó thuê nhân công. Trên đảo có 2 doanh nghiệp du lịch là Công ty Đông Đô và Công ty Sơn Nam đóng góp cho thôn tổng cộng một tháng 3 triệu để thuê người dọn rác cho sạch đảo. Tuy nhiên dọn không hết được, rác trên biển cứ ập vào liên tục, dọn chưa hết đợt này, rác lại tiếp tục ập vào phải dọn đợt khác. Ngoài việc chở rác vào đất liền xử lý, thì trên đảo cũng đã xây lò đốt rác, nhưng công suất nhỏ không thể xử lý một lượng rác rất lớn trên đảo.

Cũng theo ông Mẫn, rác dạt vào đảo là do các hộ nuôi trồng thủy sản và dân cư ở nhiều địa phương trong tỉnh xả ra biển, rồi gió đẩy về đảo Điệp Sơn. Trước tình trạng rác thải gây ô nhiễm, thôn cũng đã có báo cáo đến UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh để có biện pháp hỗ trợ thôn xử lý rác thải trên đảo.

Thanh Hòa