Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL hiện có khoảng 13 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Đến nay đã có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 8 triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung.

Mùa khô năm 2019 - 2020 có khoảng 96.000 hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, trong đó 20.600 hộ được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 75.400 hộ được cấp nước từ hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, giải pháp cấp nước cho vùng ĐBSCL là sẽ thực hiện các công trình có sự bàn bạc thống nhất giữa các tỉnh, thành phố bằng việc nạo vét sông, kênh, rạch.

Riêng nước sạch phục vụ người dân vùng nông thôn là nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước tập trung. Trước mắt, các rà soát lập bản đồ dùng nước tại hộ gia đình, trong đó đưa ra nhu cầu dùng nước cụ thể như nơi cấp nước tập trung.

leftcenterrightdel
 Khoảng 96.000 hộ dân ở ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Ảnh: XC

Để giải quyết tốt nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho 96.000 hộ trong 3 năm ở khu vực ĐBSCL, các địa phương cần tăng công suất các nhà máy nước tập trung để mở rộng đường ống dẫn nước; tăng cường khoan giếng theo hình thức tập trung tại những nơi không thể kéo nguồn nước đến; xây bể chứa nước tại hộ…

Tại hội nghị, đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn theo hướng bền vững và phù hợp với các địa phương ở ĐĐSCL.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt năm nay là do lượng nước mưa ít, nước từ dòng Mê Kông đổ về yếu, nguồn nước ngọt không đủ cung cấp cho cả sinh hoạt và sản xuất; sự thiếu vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước.

Theo ông Quyết, để đạt được 100% hộ dân nông thôn có nước sinh hoạt theo quy chuẩn thì cần nguồn vốn rất là lớn, trên 1.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hệ thống công trình phục vụ và cung cấp nước. Vì thế, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Trung ương cần hỗ trợ 60% vốn, tỉnh đối ứng 40% vốn để đầu tư xây dựng các công trình chứa nước, ứng phó với hạn, mặn.

Xuân Cảnh