Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến thôn Bầu Sang, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh để ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông Cái đe dọa, uy hiếp nhiều hộ dân nơi đây. Chúng tôi tận mắt thấy một diện tích rất lớn bờ sông Cái tại đây bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bờ sông trở thành vực sâu, vách dựng đứng và các hầm ếch rất nguy hiểm. Có đoạn bờ sông Cái sạt lở lấn sát vào khu vực dân cư, hiểm nguy rình rập. Cống thoát nước từ khu dân cư ở đây bị lấp, tắc nghẽn nên mưa xuống nước ứ đọng, dâng cao và phá các bờ đất để thoát ra sông, gây sạt lở nặng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Cao Thị Phong, một người dân người đồng bào Raglai có nhà ở bên bờ sông Cái, thôn Bầu Sang, cho biết: Các anh thấy đó, bờ sông sạt lở vào đến vách nhà tôi rồi. Sống ở đây lo nơm nớp. Mùa mưa thì nước lên mênh mông và có thể cuốn nhà cửa đi bất cứ lúc nào. Nhiều lúc cũng muốn chuyển đi nơi khác sinh sống cho an toàn, nhưng đất đai không có, nhà ở đây có rao bán cũng chẳng ai mua nên đành cầm cự ở đây. Mấy mùa mưa trước, nước lũ về nhanh gây ngập sâu, gia đình tôi 4 người phải chạy đi tránh trú ở nhà người thân. Năm nay, mùa mưa sắp đến, nghĩ đến lũ quét lo lắng vô cùng.

Chị Cao Thị Phong nói về nguy hiểm rình rập tại khu vực sông Cái sạt lở. Ảnh: TH

 

Cùng hoàn cảnh là hộ gia đình chị Cao Thị Đào, bên cạnh nhà chị Phong, bờ sông Cái sạt lở vào sát dây phơi quần áo của gia đình. Ngôi nhà gỗ chị Đào chênh vênh có thể sập xuống sông Cái bất cứ lúc nào khi mùa lũ đến. “Biết là sống ở đây nguy hiểm rình rập nhưng giờ cũng chẳng biết đi đâu, chỉ mong chính quyền địa phương sớm tái định cư cho chúng tôi về khu vực an toàn hơn”, chị Đào nói.

Ông Ngô Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang cho biết: Hiện nay, khoảng 3km dọc đôi bờ sông Cái, đoạn qua thôn Bầu Sang của xã bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng hơn 15 hộ dân, với khoảng hơn 100 nhân khẩu đều là người đồng bào dân tộc Raglai đang sinh sống tại đây. Trước mắt, mùa mưa đang đến gần, UBND xã lên phương án tổ chức di dời các hộ dân trên đến tránh trú tại các khu vực trường học kiên cố trên địa bàn, đảm bảo không gây thiệt hại về người do sạt lở trong mùa lũ. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp đoàn thể, thanh niên, lực lượng công an, dân quân… tổ chức khơi thông các cống rãnh chảy qua khu vực này, để khi có mưa lũ thì nước sẽ thoát nhanh, hạn chế ngập lụt trên diện rộng.

Sạt lở vào đến sát khu vực dân cư, gây nguy hiểm cho nhiều hộ dân. Ảnh: TH

 

Về lâu dài, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Khánh Vĩnh bố trí đất tái định cư cho 15 hộ nói trên. Hiện tại, quỹ đất tái định cư đã có rồi, xã đang lập hồ sơ dự án, dự toán kinh phí xây dựng khu tái định cư, trình UBND huyện Khánh Vĩnh phê duyệt. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện dự án như mong đợi cho người dân.

Cũng theo ông Thái, nguyên nhân sạt lở bờ sông Cái là do biến đổi khí hậu, dòng chảy của sông thay đổi và gây sạt lở. Mưa kéo dài, lũ quét về nhanh thường xuyên gây ngập lụt trên diện rộng, đe dọa đến cuộc sống nhiều hộ dân quanh vùng. Ngoài ra, việc sạt lở bờ sông Cái một phần do tình trạng khai thác cát trái phép trước đây làm dòng sông bị biến đổi, nhiều đoạn tắc nghẽn. Trong khi, xã Liên Sang hiện nay có tới 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, họ chủ yếu canh tác nông nghiệp để sinh sống. Mưa lũ, sạt lở đe dọa đời sống, tính mạng các hộ dân và làm mất rất nhiều diện tích đất canh tác của bà con nơi đây.

CTV Thanh Hòa