Chôn lấp, xử lý rác thải đúng cách có thể tạo ra tài nguyên không gian

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn lớn, phát sinh từ các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp. Theo ước tính năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị là khoảng gần 36 nghìn tấn/ngày, ở nông thôn là hơn 28 nghìn tấn/ngày. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở cả khu vực đô thị và nông thôn năm 2019 đã tăng khoảng 50% so với năm 2010.

Ông Thi cũng cho hay, chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay, có khoảng 20% là chất thải có thể tái chế; 60% chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas... còn lại là chất thải khác có thể đem thiêu đốt thu nhiệt hoặc chôn lấp. Như vậy cần có chính sách để tái chế, tái sử dụng.

“Phần lớn các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian”, ông Thi nêu rõ.

Để giải quyết vấn đề chất thải rắn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan.

Ngoài ra, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn, việc giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Đánh giá về chất thải nhựa đang là một hiểm họa đến hệ sinh thái đại dương của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ, rác thải nhựa đại dương luôn là mối quan tâm khẩn thiết trong nhiều năm qua.

Chúng ta đang đối diện với hiện trạng lượng rác thải đổ vào đại dương ngày một gia tăng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đại dương, đồng thời đe dọa đến môi trường, xã hội và sức khoẻ của con người.

“Có một đặc thù tiếp nhận của đại dương khác với đất liền là đại dương nơi tiếp nhận chất thải cuối cùng của con người. Nếu đại dương không được làm sạch thì không những ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà sẽ trở thành hiểm hoạ đến môi trường”, ông Toàn nêu rõ. 

Để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, theo ông Toàn ngoài việc chúng ta cần phải tập trung thu gom, xử lý rác thải nhựa trên đất liền, cần lưu ý, mặc dù chỉ là ô nhiễm vùng nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng rộng đến các vùng khác. Bởi vậy, xử lý rác thải nhựa đại dương phải là xử lý về mặt tổng thể.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt 

Liên quan việc thực hiện quy trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, từ thực tế triển khai thí điểm phân loại CTRSH tại các địa phương trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng việc triển khai công tác phân loại chỉ đạt được hiệu quả khi có sự chung tay của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là UBND các cấp tại từng địa phương.

Chính vì vậy, một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là trao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể là công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt với lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình, đảm bảo thực hiện trước ngày 31/12/2024.

Trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ tiếp tục xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; hướng dẫn, hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, đồng hành cùng với các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý CTRSH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người từ rác thải sinh hoạt, ông Hoàng Văn Thức nêu rõ: Quản lý CTRSH là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội.

Để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, đạt được các mục tiêu kỳ vọng của Chính phủ như đã đề ra tại Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ TN&MT đã và đang đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp như: Tập trung triển khai đồng bộ hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm thải bỏ; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý CTRSH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTRSH; tăng dần nguồn thu từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, đồng thời giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH. Triển khai áp dụng giá dịch vụ xử lý CTRSH, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTRSH nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Áp dụng các công nghệ tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu ở các cơ sở tái chế.