Nguy cơ lãng phí tài nguyên nước

Theo đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) 2 của công ty thuộc nhóm NMTĐ bậc thang, gồm 5 dự án, nhà máy đã vận hành trên sông Đakrông, trong đó NMTĐ 2 là bậc thang cuối cùng ngay sau NMTĐ Đakrông 4.

Tuy nhiên, khi Công ty TNHH Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị đề xuất điều chỉnh dự án NMTĐ Đakrông 4 đã khiến các chủ dự án khác lo lắng và có ý kiến kiến nghị về việc tác động đến các dự án thủy điện phía hạ lưu. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông, với việc mở rộng kích thước thông thủy của đường hầm dẫn nước, điều chỉnh ngưỡng vào lấy nước và thi công các hạng mục kết cấu tương ứng của NMTĐ Đakrông 4 như theo đề xuất, sẽ gây thiệt hại cho thủy điện bậc dưới và gây lãng phí tài nguyên nước nhiều hơn.

Đại diện NMTĐ Đakrông 4 cho biết, hiện lưu lượng xả (Q.xả) phát điện của NMTĐ Đakrông 4 khoảng 80m3/giây, trong khi lưu lượng phát điện của NMTĐ Đakrông 2 là 64,7m3/giây. Với Q.xả lớn, nên từ khi NMTĐ Đakrông 4 đi vào vận hành, để giảm bớt một phần thiệt hại, phía NMTĐ Đakrông 2 đã phải hạ mực nước trong hồ chứa trước đầu giờ phát điện xuống gần bằng mực nước chết. Điều đó, dẫn tới cột nước phát điện giảm thấp, gây thiệt hại về sản lượng điện, tuy vậy, vào cuối kỳ phát điện trong ngày, nước trong hồ vẫn dâng cao rất nhanh và tràn qua đập. Đây là việc lãng phí tài nguyên nước, làm thiệt hại nghiêm trọng hiệu quả của NMTĐ Đakrông 2.

Trong khi đó, theo Thông tư 28/2018/TT-BCT ngày 27/9/2018 của Bộ Công thương quy định nhóm NMTĐ bậc thang là tập hợp các NMTĐ, trong đó lượng nước xả từ hồ chứa NMTĐ bậc thang trên chiếm toàn bộ hoặc phần lớn lượng nước về hồ chứa NMTĐ bậc thang dưới và giữa 2 nhà máy điện này không có hồ chứa điều tiết nước lớn hơn 1 tuần. Theo đó, giữa 2 NMTĐ Đakrông 4 và Đakrông 2 chỉ có hồ điều tiết 1 ngày là hồ thủy điện Đakrông 2.

“Nếu NMTĐ Đakrông 4 tiếp tục mở rộng đường hầm để tăng lưu lượng phát điện lên khoảng 90m3/giây sẽ gây thiệt hại cho chúng tôi, gia tăng lãng phí tài nguyên nước. Điều này càng vi phạm thêm quy định tiết kiệm nguồn nước nêu rõ tại khoản 5, Điều 3 Luật Tài nguyên nước, làm giảm sản lượng điện NMTĐ Đakrông 2”, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông cho biết.

Vì sao chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa?

Trước vấn đề này, đại diện NMTĐ Đakrông 2 bày tỏ, theo quy định của pháp luật, các NMTĐ bậc thang nhất thiết phải có quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, đến nay, quy trình vận hành liên hồ chứa các công trình thủy điện trên sông Đakrông, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được lập, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Phía NMTĐ Đakrông 2 đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị có ý kiến chỉ đạo Sở Công thương chủ trì cùng các doanh nghiệp thủy điện bậc thang trên sông Đakrông tổ chức lập quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Đakrông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Được biết, vào ngày 29/8/2019, Sở Công thương Quảng Trị tổ chức buổi làm việc với các ngành, địa phương có liên quan để giải quyết và các bên đã thống nhất cần phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa các công trình thủy điện trên sông Đakrông, trình Thủ tướng phê duyệt. Thế nhưng, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thực hiện việc này.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết: NMTĐ Đakrông 4 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt ngày 30/11/2023 (điều chỉnh lần 1) với công suất 28MW (nâng công suất từ 24MW lên 28MW). Đồng thời, chủ đầu tư cũng điều chỉnh một số nội dung, như nâng tổng mức đầu tư dự án, thay đổi tên và loại hình doanh nghiệp…

Về việc tác động của dự án NMTĐ Đakrông 4 đến các dự án thủy điện phía hạ lưu, hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án NMTĐ Đakrông 4 không thay đổi các thông số chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đã xem xét đến vấn đề ảnh hưởng đến các dự án thủy điện phía hạ lưu.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án thủy điện trên sông Đakrông, sau khi hoàn thành việc điều chỉnh một số hạng mục của dự án NMTĐ Đakrông 4, Công ty TNHH Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị cần phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình vận hành phát điện. Sau đó, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.

“Về lâu dài, cần xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa các dự án thủy điện trên sông Đakrông sau khi các dự án thủy điện trên lưu vực sông này được xây dựng hoàn thành. Tuy nhiên, hiện dự án NMTĐ Đakrông 5 đang được triển khai đầu tư, sau khi NMTĐ Đakrông 5 đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tổ chức xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, trình Thủ tướng phê duyệt”, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 17 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5MW được phê duyệt. Trên lưu vực sông Đakrông hiện có 5 dự án NMTĐ, riêng NMTĐ Đakrông khởi công từ tháng 6/2019 và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2025.

Khánh Anh