Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Giang: Cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đảm bảo mùa mưa lũ

Bùi Bình

Thứ tư, 24/07/2024 - 10:13

(Thanh tra)- Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, địa chất phức tạp, mỗi khi mưa lớn, trên địa bàn tỉnh Hà Giang thường xảy ra sạt lở đất, gây thiệt hại tính mạng và tài sản Nhân dân, làm hư hỏng các công trình giao thông… Để hạn chế tình trạng trên, tỉnh Hà Giang cần tập trung huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Điểm sạt lở tại Km 36 (cũ), tuyến đường tỉnh lộ 177. Ảnh: Bùi Bình

Từ đầu năm đến nay, hệ thống giao thông thiệt hại khoảng 44 tỷ đồng

Với diễn biến thời tiết cực đoan, những năm gần đây, tỉnh Hà Giang luôn phải hứng chịu những trận mưa lớn, gây lũ lụt, ngập úng và sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Đáng buồn hơn, những sự cố sạt lở đất đã cướp đi nhiều tính mạng người dân.

Mới đây nhất, ngày 12/7, tại km10+950, quốc lộ 34, thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, sạt lở đất đá sau cơn mưa lớn đã vùi lấp một xe khách khiến 11 người chết, 4 người bị thương.

Hay như, vào chiều 8/7, trên đường tỉnh 177 từ huyện Bắc Quang đi huyện Hoàng Su Phì, đoạn tại Km 36 (cũ) qua xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, do mưa lớn trong nhiều giờ, hàng trăm m3 đất đá bất ngờ sạt lở, đã vùi lấp 2 người đi đường, sự việc khiến tài xế xe ôm tử vong, người khác bị thương.

Chỉ tính riêng đợt mưa lũ ngày 9 và 10/6, đã khiến 3 người chết; hơn 1.400 ngôi nhà bị ảnh hưởng (3 nhà bị sập hoàn toàn); hơn 278ha lúa, rau màu bị thiệt hại; gần 30ha ao cá bị tràn bờ, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 281 xe máy và 91 ô tô bị ngập nước; hàng chục nghìn m3 đất, đá sạt lở trên các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã. Ước thiệt hại hơn 61 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xuất hiện khoảng 400 điểm sạt lở đất taluy dương và sụt nền đường taluy âm như: Tuyến Quốc lộ 4C sạt lở 271 vị trí taluy dương, 18 vị trí taluy âm; tuyến Quốc lộ 34 sạt lở 132 vị trí taluy dương, 15 vị trí taluy âm; tuyến Quốc lộ 4 sạt lở 90 vị trí taluy dương, 9 vị trí taluy âm; tuyến đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú sạt lở 26 vị trí taluy dương, 1 vị trí taluy âm...

Cùng với đó, rất nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên xã cũng xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún, với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất, đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ... Toàn tỉnh thiệt hại về giao thông khoảng 44 tỷ đồng.

Hiện nay, tuyến đường tỉnh lộ 177 vẫn còn hàng chục điểm sạt lở đất đá, giao thông ách tắc nhiều ngày. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục sự cố để có thể thông xe sớm nhất.

Lực lượng cứu hộ đã làm việc hết sức khẩn trương để tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất tại Km10+950, tuyến Quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê. Ảnh: Nguyễn Liên

Tập trung, ưu tiên, huy động nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá.

Để thực hiện khâu đột phá đó, Hà Giang đặt ra các mục tiêu: Tích hợp phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải vào quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, có tầm nhìn chiến lược.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp xây dựng các tuyến đường quan trọng; phấn đấu hoàn thành 100% các thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn nông thôn mới; trên 90% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa hoặc rải nhựa và từng bước được bảo trì theo quy trình.

Hoàn thành toàn bộ 186 cầu dân sinh; xây dựng 24 cầu treo dân sinh thay thế các bến đò để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và an toàn cho việc đi lại trong mùa mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh chia sẻ, xác định rõ vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông, tỉnh tập trung, ưu tiên, huy động nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối lan tỏa, giao thông đối ngoại.

Mặt khác, tỉnh luôn có những cơ chế, chính sách phù hợp, quyết tâm sớm triển khai thực hiện các dự án; đốc thúc nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, qua đó, đồng hành với tỉnh xây dựng những công trình giao thông huyết mạch, tạo động lực phát triển cho tỉnh Hà Giang.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang đã bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 5,4 nghìn tỷ đồng, đầu tư cho 37 dự án giao thông. Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, đã bố trí cho 473 công trình giao thông với tổng vốn trên 1,5 nghìn tỷ đồng.

Hết năm 2023, các điểm nghẽn lớn về giao thông như: Quốc lộ 279, Quốc lộ 4C, Quốc lộ 34, đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, đường Xín Mần - Bắc Hà, đường tỉnh 176B, 183, các tuyến đường đến trung tâm xã… đã cơ bản được xử lý. Hệ thống đường quốc lộ thường xuyên được đầu tư xây dựng, bảo trì, giao thông đi lại tương đối thuận tiện.

Bên cạnh hệ thống quốc lộ, hệ thống đường tỉnh, xã, thôn cơ bản đã đáp ứng kết nối giao thông giữa các huyện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 100km đường giao thông tuyến huyện, cứng hóa 947km đường trục xã, trục thôn và đường nội đồng; 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm với 1.732 tuyến, tổng chiều dài trên 6.196km.

Với những con số biết nói trên, có thể thấy, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã cân đối, phân bổ và tích cực huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển hạ tầng giao thông vẫn là vấn đề nan giải đối với Hà Giang, bởi đây là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, hiểm trở, địa chất dễ sạt lở. Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng và bảo trì chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu và quy hoạch…

Để tháo gỡ những rào cản, nút thắt đó, Hà Giang cần tập trung huy động, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, cân đối, lồng ghép tối đa các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao.

Song song với đó, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.

Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…

Tại buổi làm việc ngày 28/5/2023 với tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Giang chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Bình: Lũ rút chậm, chính quyền và người dân tích cực khắc phục hậu quả

Quảng Bình: Lũ rút chậm, chính quyền và người dân tích cực khắc phục hậu quả

(Thanh tra) - Ngày 30/10, sau hơn 24h kể từ thời điểm lũ rút, "rốn lũ" huyện Lệ Thủy và một số xã vùng trũng huyện Quảng Ninh (Tân Ninh, Hiền Ninh) vẫn còn hàng ngàn ngôi nhà đang bị ngập. Chính quyền địa phương và người dân nơi đây đang tiến hành khẩn trương khắc phục hậu quả với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”.

Lê Hữu Chính

20:08 30/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm