Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Trị: Mưa lũ gây thiệt hại hạ tầng, tài sản của người dân

Minh Tân

Thứ hai, 28/10/2024 - 19:46

(Thanh tra) - Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn trên diện rộng trong thời gian ngắn, mực nước trên các sông lên nhanh, thượng nguồn hầu hết các sông đạt đỉnh phổ biến trên báo động 3.

Các cán bộ, công nhân ngành Đường sắt khắc phục đoạn đường sắt bị hư hỏng tại địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 24 giờ qua (từ 15 giờ ngày 27/10 – 15 giờ ngày 28/10), khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị đã có mưa to, mưa rất to, lượng mưa khu vực phía Bắc tỉnh phổ biến từ 80 - 200 mm, có nơi cao hơn như Hướng Việt 237 mm, Hướng Sơn 252 mm, Hướng Lập 274 mm.

Dự báo từ chiều tối nay (28/10) đến chiều tối 30/10 khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3 giờ).

Mực nước các sông lên rất nhanh, thượng nguồn hầu hết các sông đạt đỉnh phổ biến trên báo động 3 như sông Sa Lung đo tại Bến Quan vượt báo động 3 là 4,52m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2016 là 1,23 m; hạ lưu các sông đạt đỉnh trên báo động 2.

Do mưa lớn, mực nước các sông dâng cao đã gây ngập trong ngày và đêm 27/10 ở các ngầm tràn và chia cắt các tuyến đường khu vực miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đồng thời, gây ngập lụt, ngập úng địa bàn vùng đồng bằng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tuyến đường liên thôn, liên xã tại khu vực xã Vĩnh Long vẫn bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Minh Tân

Hiện nay, cơ bản các ngầm tràn khu vực miền núi, nước đã rút tuy nhiên một số vùng đồng bằng vẫn còn ngập.

Đặc biệt, tại huyện Vĩnh Linh nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn huyện bị ngập ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trong đó, xã Vĩnh Long ngập nặng nhất, nhiều nhà ngập sâu đến 2m. Nước lũ lên nhanh trong đêm khiến nhiều hộ dân bị mắc kẹt lại trong nhà.

Ngay trong đêm, lực lượng chức năng địa phương cùng các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị, Công an huyện Vĩnh Linh tiếp cận các điểm ngập nặng ứng cứu người dân đến nơi an toàn.

Tại một số địa phương khác cũng vẫn còn một số điểm ngập lụt, tại Đakrông 4 điểm, Hướng Hóa 20 điểm, thị xã Quảng Trị, huyện Cam Lộ…

Thống kê bước đầu của các địa phương xác nhận do ảnh hưởng của bão số 6, một người bị thương là bà Nguyễn Thị Thìn (trú tại thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh) ngã gãy tay. Tại huyện Vĩnh Linh có hơn 1.250 nhà bị ngập từ 0,5 – 1m; TP Đông Hà 41 nhà bị ngập từ 0,3 - 0,6m; thị xã Quảng Trị 42 nhà bị ngập khoảng 1m.

Do ảnh hưởng của bão số 6 khiến 5 nhà người dân bị tốc mái, 8 hộ dân sinh sống ở 2 bên đường Cao tốc, huyện Gio Linh đang thi công bị đất bùn trôi vào nhà làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống.

Trên tuyến Quốc lộ 15D đất, đá tràn lấp mặt đường, rãnh dọc với khối lượng khoảng 320m3; đất bùn, rêu rác đọng hai đầu cầu tràn Đakrông - Km0+307 với khối lượng khoảng 70m3; sạt lở nền đường, ta luy âm tại Km10+500 với chiều dài khoảng 40m, sâu 8m và tại Km10+800 với chiều dài khoảng 8m, sâu 2m; Quốc lộ 9D đất lấp tràn mặt đường đoạn từ Km28+00 ÷ Km29+500 với khối lượng khoảng 15m3.

Nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã cũng bị xói lở, cuốn trôi, hư hỏng nặng. Nhiều điểm sạt lở đất, cây gãy đổ làm ảnh hưởng, cản trở giao thông.

Lực lượng Công an huyện Vĩnh Linh giúp dọn dẹp, vệ sinh trường mầm non sau khi lũ rút. Ảnh: Minh Tân

Mưa lũ trong bão số 6 đã gây thiệt hại nhiều hạng mục công trình, kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Khu gian đường sắt Sa Lung, tỉnh Quảng Trị và Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nghiêm trọng. Nước lũ đã cuốn trôi, xói lở hàng trăm mét nền đá, tà vẹt, đường ray... khiến đoạn đường sắt này bị tê liệt hoàn toàn.

Để đảm bảo an toàn chạy tàu, ngành Đường sắt đã phong tỏa khu gian Sa Lung - Tiên An, đoạn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hành khách đi tàu phải chuyển tải bằng đường bộ từ ga Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vào ga Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và ngược lại để tiếp tục hành trình. Trước tình hình trên, ngành Đường sắt đã huy động nhân lực, vật tư, thiết bị và lập phương án khắc phục nhằm đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất.

Thống kê bước đầu cho thấy, có hơn 4.500m kênh mương tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong bị hư hỏng, sạt lở, cuốn trôi, bồi lấp; gần 2.000m đê kè bị xói lở, hư hỏng tại huyện Gio Linh, Triệu Phong; sạt lở bờ biển đoạn qua thôn Tân Hải, xã Gio Hải, huyện Gio Linh dài khoảng 5km (bị xói lở vào bờ 15 - 20m); đoạn kè biển Gio Hải, huyện Gio Linh đang thi công bị sạt lở phần đất đắp đỉnh kè khoảng 700m ăn sâu vào 1 - 1,5m.

Tại các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng và Vĩnh Linh có trên 300ha diện tích hoa màu, rau màu bị ngập, hư hỏng; hơn 680ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong bị ngập, thiệt hại. Ngoài ra, hàng chục ha cây tràm, cao su, cây ăn quả bị gãy đổ, hư hại; hơn 530 gia súc và gần 13.500 con gia cầm của người dân bị chết, trong đó chủ yếu tại huyện Vĩnh Linh.

Với tinh thần khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả bão, mưa lớn, ngập lụt gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, chính quyền cùng với các lực lượng chức năng kịp thời tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do mưa, bão, tạo mọi điều kiện để học sinh sớm được trở lại trường, Nhân dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất. Đồng thời, triển khai các biện pháp không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ.

Trong đó, chủ động bố trí lực lượng hỗ trợ khắc phục, dọn dẹp, vệ sinh nhằm ổn định cuộc sống. Đối với các điểm hư hỏng, sạt lở cục bộ các địa phương đã chủ động huy động lực lượng triển khai khắc phục, di dời đất, đá, dọn dẹp vệ sinh đảm bảo giao thông đi lại thông suốt.  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Các tỉnh duyên hải miền Trung: Đề phòng nguy cơ sạt lở

Các tỉnh duyên hải miền Trung: Đề phòng nguy cơ sạt lở

(Thanh tra) - Tuy cơn bão Trà My đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên biển, nhưng đã gây mưa lớn và dự báo còn tiếp tục mưa, đặc biệt là khu vực miền núi; nên các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung (từ Quảng Nam đến Bình Định) cần đề phòng sạt lở đồi núi, ven sông.

N. Phó

14:43 28/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm