Những ngày qua, bão số 2 đã gây một đợt mưa lớn trên đường di chuyển từ Đông Bắc Bộ sang Tây Bắc Bộ ở nước, đặc biệt là khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Có những điểm mưa đêm lên đến gần 300mm. Mưa cường độ lớn đã gây tình trạng ngập úng ở Hà Nội, lũ quét và sạt lở đất nhiều nơi thuộc khu vực Tây Bắc cũng như vùng núi Bắc Bộ.

Trong hôm nay (25/7), trên địa bàn các tỉnh Điện Biên và Sơn La vẫn có mưa, mưa vừa, mưa to đến mưa rất to. Điển hình, lượng mưa 24 giờ (tính từ 14 giờ ngày 24/7 đến 14 giờ ngày 25/7) tại Mường Pồn 2 (Điện Biên) là 292,4mm, Mường Chùm 1 (Sơn La) là 132,6mm...

Mưa vẫn tiếp diễn tại 2 tỉnh và gây nguy cơ cao sạt lở, lũ quét trong chiều và tối nay, đặc biệt tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Phủ, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên); Bắc Yên, Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Sơn La, Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu (tỉnh Sơn La).

Cơ quan khí tượng nhận định, hiện tại, hoàn lưu sau bão số 2 đã suy yếu.

Từ nay đến ngày 27/7, thời tiết tốt trở lại và thậm chí có khả năng xảy ra nắng nóng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm Thủ đô Hà Nội.

Dự báo ngày 26 - 27/7, khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độC, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 55%. Từ ngày 28/7, nắng nóng kết thúc ở khu vực Bắc Bộ và vẫn sẽ duy trì ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Ông Hưởng lưu ý, đối với khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên, các tháng 7, 8, 9 là “chính vụ” mưa bão và sẽ tiếp tục có những đợt mưa lớn, đi kèm nguy cơ sạt lở, lũ quét. Sang tháng 10, 11, mưa chuyển sang khu vực Trung Bộ. Giai đoạn này cũng trùng thời điểm hiện tượng La Nina bắt đầu hoạt động. Bởi vậy, nhiều khả năng mùa mưa ở Trung Bộ năm nay sẽ có mưa đặc biệt lớn và nguy cơ cao đến rất cao xảy ra các hiện tượng thiên tai kèm theo là lũ quét, sạt lở đất.

Thái Hải