Theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn hơn 780.000 ha; trong đó, diện tích đất có rừng vào khoảng 609.600 ha, với hơn 547.600 ha rừng tự nhiên và trên 62.000 ha rừng trồng. 

Năm 2023, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 5 vụ cháy, thiệt hại 0,768 ha rừng trồng. Ngoài ra, có một số đám cháy kịp thời được phát hiện, dập tắt. Trong đó, khu vực trọng điểm có nguy xảy ra cháy cao như các huyện: Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy, TP Kon Tum.

leftcenterrightdel
Nhiều diện tích trồng nông nghiệp tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum có đủ nguồn nước để sản xuất, sinh hoạt. Ảnh. N.G 

Trước cảnh báo về tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng, đặt biệt các khu vực các huyện phía Tây của tỉnh có nguy cơ cháy rừng rất cao. Để bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, tỉnh Kon Tum đã chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC) với phương châm “phòng hơn chữa”. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cháy rừng. 

Còn Gia Lai, là tỉnh có diện tích rừng lớn, trong đó tổng diện tích tự nhiên hơn 1.551.000 ha, có nhiều diện tích rừng tự nhiên có nguy cơ cháy cao tập trung tại các địa phương thuộc khu vực phía Đông Nam và phía Tây của tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, hiện có 13/17 huyện, thị, thành phố đang được cảnh báo cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.

Tại huyện huyện biên giới Chư Prông, mùa khô 2023 - 2024 toàn huyện xác định có 34 vùng trọng điểm cháy với tổng diện tích hơn 1.800 ha/ 72.529 ha tổng diện tích có rừng. Đặc điểm các khu vực trọng điểm cháy là rừng trồng, diện tích có rừng trên địa bàn không tập trung, địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng khộp xen kẽ với nương rẫy của người dân. Cùng với đó, việc phát đốt nương rẫy, ý thức về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) chưa cao, dẫn đến nguy cơ cháy rừng là rất lớn.

leftcenterrightdel
 Lực lượng kiểm lâm huyện Chư Prông, Gia Lai tập trung kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng trên hệ thống nhằm phát hiện sớm cháy rừng. Ảnh: N.G

Ông Trần Mạnh Chung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho hay: Ngay từ đầu mùa khô, Hạt đã chủ động tham mưu, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện; ban hành kế hoạch PCCCR mùa khô 2023 - 2024; phân công lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra rừng, hướng dẫn các hộ dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, ngăn chặn không để cháy lan vào rừng. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu chữa khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đồng thời, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng cần tập trung tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng cho người dân. Các đơn vị cũng đã xây dựng lực lượng, hàng ngàn phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, thông báo huy động lực lượng dập tắt đám cháy khi mới phát sinh…

Cùng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều ngày qua, tại huyện Chư Păh tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Các xã, thị trấn cùng đơn vị chủ rừng cũng đang triển khai các giải pháp cấp bách PCCCR.

Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết: UBND xã được giao quản lý, bảo vệ hơn 2.482,3 ha rừng. Xã đã giao khoán toàn bộ diện tích rừng cho 3 cộng đồng và 2 nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Xã đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về trách nhiệm trong bảo vệ rừng và PCCCR; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định, không để lửa cháy lan vào rừng trong quá trình đốt, dọn nương rẫy. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký ban hành công điện khẩn về tăng cường các biện pháp cấp bách để PCCCR trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động thực hiện công tác PCCCR; chủ động phương châm “4 tại chỗ”, quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, chữa cháy và báo cáo kịp thời, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

leftcenterrightdel
 Được cảnh báo về nguy cơ khô hạn vào mùa khô, các nông dân đã chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng tại huyện Chư Păh. Ảnh: N.G

Song song với công tác PCCCR, nhiều địa phương tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên cũng đang tập trung các phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước tưới sản xuất nông nghiệp vào mùa khô năm nay.

Theo tổng hợp Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 100.000 ha cà phê. Để cây cà phê phát triển tốt và đủ nước tưới cho các đợt sắp đến, các đơn vị sản xuất, nhà nông trong tỉnh tập trung trữ nước và đầu tư các thiết bị bơm, tưới áp dụng các kỹ thuật mới tiên tiến hơn.

Hộ nông dân Ksor Jun, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: Gia đình tôi có hơn 1ha cà phê. Đầu năm nhà tôi đã tập trung công và thiết bị để tưới đợt 1, hiện cây đang nở hoa và trong quá trình đậu quả. Sắp đến sẽ tập trung nước cho đợt 2. Nguồn nước hiện tại bơm từ giếng khoan và cũng chưa thấy hụt nước, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ giảm về nguồn nước ngầm và sẽ ảnh hưởng đến năng suất vườn cây.

Hiện tại, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, nguồn nước tưới cho các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn hiện đang đảm bảo, mực nước các ao, hồ, sông, suối và mực nước ngầm ổn định trong những ngày sắp đến đủ để các công ty, nông dân tập trung bơm tưới do diện tích cây trồng đang thời kỳ ra hoa, đậu quả.

Tại tỉnh Kon Tum, theo dự báo từ tháng 3 đến tháng 5/2024 toàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha. đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP Kon Tum và các huyện: Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei. Từ tháng 1 đến tháng 6/2024, nhiệt độ trung bình tại Kon Tum cao hơn từ 0,5 - 1,2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Từ tháng 1 đến tháng 4, lượng mưa tại Kon Tum thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Nắng nóng trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 3, nhiều khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước ở các vùng phía Tây, Tây Nam. Nắng nóng có xu hướng mở rộng trong tháng 4 và tháng 5. Tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

leftcenterrightdel
Nông dân huyện Ia Grai chuẩn bị nguồn nước và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với tình hình hạn hán kéo dài thời gian tới. Ảnh: N.G

Để đảm bảo nguồn nước tưới và chủ động khả năng chống hạn cho cây trồng trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, UBND các tỉnh đã yêu cầu các địa phương, ngành chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn theo kế hoạch đã ban hành. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tiến hành kiểm tra các công trình thuỷ lợi địa phương, rà soát hệ thống kênh mương, xây dựng phương án cấp nước để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 cho từng công trình; chủ động tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy. Tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024. 

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết khí hậu và trên cơ sở khả năng cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp để tránh hạn, hướng dẫn nhân dân bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý; các vùng thường xuyên thiếu nước tưới xem xét khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn để bảo đảm hiệu quả sản xuất. 

Để ứng phó với tình trạng hạn hán, UBND tỉnh Kon Tum đã đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó thực hiện tưới luân phiên giữa các vùng; thực hiện tưới tiêu khoa học, tưới khu vực xa trước khu vực gần sau, khu cao tưới trước khu thấp tưới sau; tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ chống thất thoát nước.

Theo ngành Nông nghiệp, hiện nay, 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt dung tích trữ khoảng 80% so với dung tích thiết kế. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777,15ha (783,15ha lúa, 994ha cà phê). Trong đó, thành phố Kon Tum  khoảng 445,65ha lúa, 425ha cà phê; Sa Thầy khoảng 80ha lúa, 45ha cà phê; Đăk Hà khoảng 85ha lúa, 420ha cà phê; Đăk Tô khoảng 30ha lúa, 70ha cà phê; Ngọc Hồi khoảng 12ha lúa nước, 15ha cà phê; Kon Rẫy khoảng 68,5ha lúa nước, 19ha cây công nghiệp; Đăk Glei khoảng 62ha.

UBND tỉnh này cũng yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan và chính quyền các cấp chủ động, kịp thời huy động mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước cụ thể và hiệu quả.

Tăng cường quản lý, khai thác vận hành các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn, để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp thời khi xảy ra thiếu nước.

Nguyễn Giác