Nguy cơ thiếu nước ở mức nghiêm trọng

Theo TS Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội. Nước quyết định sự tồn vong của một quốc gia - dân tộc. Nguồn nước và nước sạch liên quan trực tiếp đến tất cả mọi người, mọi vùng, kể cả ở nông thôn và đô thị.

Ông Tân cho biết, bảo đảm nguồn nước và nước sạch đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng là vấn đề cấp thiết của nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó từ nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước (TNN) và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển TNN của Việt Nam, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Mặc dù nguồn nước rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Ngoài ra, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài.

Từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu đầu tháng 10/2019, các chuyên gia và các nhà quản lý ngành nước đã có những cảnh báo về an ninh nguồn nước và quy trình cấp nước an toàn ở Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối đe dọa an ninh nguồn nước là mối đe dọa hàng đầu.

"Sự cố ô nhiễm nước đầu nguồn sông Đà là một trong những vụ việc lớn nhưng không phải là hạn hữu ở Việt Nam. Câu chuyện bảo vệ nguồn nước đã đến lúc phải báo động mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông Tân nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề về nước với cuộc sống và sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

TS Đào Trọng Tứ - Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm là 80,6 tỷ m3/830 tỷ m3 (10% tổng lượng nước của cả nước).

Trong đó hơn 80% (khoảng 65 tỉ m3/năm) sử dụng cho nông nghiệp; nhu cầu dùng nước cho dân sinh, công nghiệp sẽ lên đến khoảng 130- 150 tỉ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỉ m3).

Nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.

Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.

Cũng theo ông Tứ, ở góc độ về quyền chủ động đối với nguồn nước, TNN Việt Nam không phong phú, phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước ngoài biên giới.

Sự gia tăng dân số nhanh chóng, kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu khai thác và sử dụng nước cả nước mặt và nước ngầm cho dân sinh, kinh tế trong nước gia tăng, phát triển thủy điện ồ ạt và dày đặc trên tất cả các lưu vực sông gây nhiều vấn đề môi trường - nguồn nước - rủi ro khi thiên tai.

"Ô nhiễm nguồn nước do xả thải thiếu hoặc không kiểm soát diễn ra ở tất cả các lưu vực sông, gây ra tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Hơn nữa, việc phát triển và sử dụng nước các quốc gia thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế của Việt Nam đang không ngừng gia tăng, tạo thách thức ngày càng lớn đối với quản lý, sử dụng và bảo vệ TNN, hệ sinh thái", TS Tứ cho hay.

Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước

Theo ông Tứ, tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng tăng gây sức ép lên TNN của Việt Nam. Đồng thời, việc quản lý TNN còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân không ngăn chặn và đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt TNN.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng: Việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, việc cấp nước an toàn còn gặp một số hạn chế như nước chưa được coi trọng là hàng hóa đặc biệt, hoạt động cấp nước nguy cơ mất an toàn cao do nguồn nước thiếu, nhiễm mặn, ô nhiễm. Mô hình quản lý cấp nước khu vực nông thôn chưa hợp lý. Chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số trạm xử lý chưa thực sự đảm bảo chất lượng do công nghệ xử lý đơn giản và lạc hậu.

Chia sẻ về các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, bà Lê Thị Việt Hoa, Cục Quản lý TNN (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý TNN; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giám sát TNN, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng.

 

Thái Hải