Ngày 14/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III, năm 2019. 

9 tháng qua, Bộ  Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều kết quả nhất định, Bộ đã chủ động rà soát, đánh giá thực tiễn, đề xuất giải quyết, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực tài nguyên, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế. Tiềm năng lợi thế về biển và hải đảo tiếp tục được phát huy cho phát triển, nhiều tỉnh, thành ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… đang trở thành điểm sáng tăng trưởng mới của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai kiểm kê toàn bộ quỹ đất lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, giải quyết tình trạng hạn hán, giảm lũ và phát điện…

Tập trung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn để tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, chỉ đạo khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, phát triển mô hình tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dự báo, góp phần giảm thiệt hại về người và vật chất do thiên tai gây ra trong 5 cơn bão vừa qua đổ bộ vào nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại hạn chế như tình trạng chồng chéo trong chính sách pháp luật, suy thoái, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang có xu hướng tăng...

Trong 3 tháng cuối năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và đặt quyết tâm giải quyết các điển nghẽn, rào cản phát sinh từ thực tiễn, trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, tập trung sửa đổi Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu để cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019.

Nguồn nước đầu nguồn Sông Đà có váng dầu. Ảnh: Internet

Tại cuộc họp báo,  Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giải đáp, cung cấp thông tin về các vấn đề báo chí quan tâm thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành như: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm; nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng nguồn nước ở phía Tây Hà Nội có mùi lạ từ ngày 08/10; xử lý các mỏ than vi phạm; vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt ở các đô thị; báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Khu sinh thái Tam Đảo 2; việc công khai các kết luận thanh tra; tình hình xử lý các container phế liệu tồn đọng tại các bến bãi; việc thu hồi, bồi thường đất cho người dân ở huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; những quy định của pháp luật về việc cấp đất cho các cơ sở tôn giáo;...

Đối với vấn đề nguồn nước ở phía Tây Hà Nội có mùi lạ từ ngày 8/10,  ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết đã giao Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, vào tối ngày mùng 8, rạng sáng mùng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) - cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.

Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà tại Hoà Bình. 

Sau khi phát hiện thì nhà máy đã thuê người dân vớt dầu. Toàn bộ dầu loang  đã được thu gom.

Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình đã triển khai lấy mẫu nước tại khu vực này để phân tích. Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc xác minh, điều tra rõ đối tượng đổ trộm dầu thải.

"Cơ quan chức năng đang làm rõ có hay không việc nhà máy thấy nước ô nhiễm mà vẫn tiếp tục đưa vào xử lý để cho người dân sử dụng? Phải làm rõ trách nhiệm trong việc này” - ông Thức nhấn mạnh.

Thái Hải