Chưa phát huy hiệu quả

Theo báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP, thời gian qua, TP đã thực hiện được một khối lượng lớn công việc, hoàn thành giải quyết tuyến ngập do mưa, đạt gần 60% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020, góp phần tích cực hiệu quả giảm ngập cho các khu vực quận 5, 6, 9, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh…

Hoàn thành chỉnh trang thêm 1.343 tuyến đường hẻm kết hợp kết nối hệ thống thoát nước với các tuyến thoát nước chính; triển khai thực hiện toàn bộ các dự án 9 tuyến đường ngập do triều; hoàn thành 5 tuyến, đạt hơn 55% số lượng tuyến đường theo kế hoạch.

Tuy nhiên, đa số các dự án bị chậm tiến độ. Một số mục tiêu như giải quyết các tuyến ngập do mưa, do triều, xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra là hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nhiều dự án gặp vướng mắc về bố trí vốn, chuyển đổi nguồn vốn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong xác định pháp lý đất đai nên hiệu quả triển khai bị hạn chế, thời gian thực hiện kéo dài, chậm tiến độ. Một số dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, dù quy hoạch thoát nước chung của các quận, huyện đã được phê duyệt nhưng nhiều trục thoát nước chính chưa được đầu tư xây dựng hoặc chỉ được đầu tư cải tạo theo hiện trạng, chưa đúng quy hoạch được duyệt, chưa phát huy hiệu quả.

Việc kết nối hệ thống thoát nước có những khu vực chưa đồng bộ, chưa đảm bảo theo quy hoạch nên hiệu quả thoát nước chưa cao, nhất là đối với khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện. 

Giải pháp nào để giảm ngập nước?

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các dự án, công trình giảm ngập để sớm đưa vào sử dụng, cũng như ứng dụng công nghệ vào việc cảnh báo, dự báo ngập.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa, xem lại các giải pháp chống ngập một cách tổng thể, toàn diện; tăng diện tích mảng xanh để tăng khả năng thẩm thấu nước tự nhiên, cũng như có các giải pháp xử lý tình trạng lấn chiếm hệ thống sông, kênh, rạch.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: TL

 

Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP kiến nghị cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ để xây dựng mô hình mô phỏng các phương án thoát nước, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp kịp thời và những dự báo tình huống chính xác trong công tác chống ngập; cần có đánh giá việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch xây dựng các hồ điều tiết, các nhà máy xử lý nước thải để có hướng đầu tư phù hợp theo điều kiện thực tế tại TP.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) đặt vấn đề: Nhiều năm qua, do sự phát triển quá nhanh của đô thị đã khiến nhiều sông, rạch bị lấn chiếm, thu hẹp hoặc biến mất. Vậy giải pháp của TP là gì để xử lý triệt để tình trạng này? Giải pháp nào để ngăn chặn tái lấn chiếm cũng như biện pháp chế tài đối với người vi phạm, cơ quan quản lý để xảy ra vi phạm?

Giải trình những vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: Trong thời gian tới, TP sẽ rà soát lại các quy hoạch, nhất là các quy hoạch liên quan đến thoát nước đô thị, quy hoạch cốt nền, quy hoạch mép bờ cao. Cùng với đó là đánh giá, khảo sát lại hiện trạng, chức năng của từng tuyến kênh, rạch để có phương án xử lý cụ thể.

Bên cạnh đó, TP đã hình thành Ban Quản lý hạ tầng đô thị để quản lý tất cả các dự án công trình có liên quan đến chống ngập, thoát nước, hạ tầng đô thị. Hiện nay 4 trung tâm trong đô thị thông minh, trong đó có Trung tâm Mô phỏng dự báo không chỉ dự báo phát triển kinh tế - xã hội mà còn dự báo vấn đề giảm ngập như thời điểm, mức độ ngập.

Thiên Lý