“Đầu độc” sông Đáy bằng nước thải không qua xử lý

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 50km, Phùng Xá là một làng nghề dệt truyền thống. Nơi đây, người dân sinh sống chủ yếu nhờ vào nghề dệt khăn. Tuy nhiên, từ năm 2000 tới nay, khi mà tiểu khu công nghiệp xã Phùng Xá đi vào hoạt động thì một lượng lớn nước thải từ các cơ sở sản xuất liên tục được xả thẳng trực tiếp ra môi trường?

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên vào ngày 26/7, tại đoạn sông Đáy, cách trụ sở UBND xã Phùng Xá chỉ chừng 200m, đã có thể cảm nhận đủ thứ mùi hăng hắc, nồng nặc rất khó chịu bốc lên từ dưới dòng sông.

Khoảng 10 giờ cùng ngày, phóng viên đã nhờ thuyền của một người dân đang đánh bắt cá gần đó để ghi nhận thực tế dưới sông. Quan sát trên một khúc sông ngắn, đã có 4 điểm ống xả thải. 3 trong số 4 điểm xả thải thì có các màu khác nhau, 1 điểm nước trong không màu. Đáng chú ý là có 2 điểm xả thải với những đường ống xối xả chảy ra sông Đáy, bọt trắng xóa, màu nâu, vàng lan rộng gần như kín mặt sông.

Theo những người dân thuyền chài mưu sinh trên sông, các họng xả thải này gần như xả thải 24/24 giờ. Thời điểm xả thải nhiều nhất vào buổi chiều, có lần xả thải nhiều vào buổi tối. Bất kể ai khi cách các họng xả thải này chừng 50m cũng phải bịt mũi bởi mùi thuốc tẩy, nhuộm bốc lên nồng nặc.

Cũng theo người dân, việc xả thải diễn ra từ nhiều năm nay. Trên sông Đáy đoạn qua khúc sông mà các công ty xả thải đã không còn tôm cá. Các loại cua, ốc, trai, hến cũng gần như tuyệt chủng trên khúc sông này?

Phạt như “phủi bụi”?

Cuối năm 2009, Phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) từng kiểm tra, bắt quả tang 3 công ty tại đây đang xả nước thải không qua xử lý ra sông Đáy. Đó là Công ty Thiên Hoàng Anh, Công ty TNHH Hoàng Tấn Phát và Doanh nghiệp Tư nhân Thiên Thành.

Doanh nghiệp Tư nhân Thiên Thành do ông Đỗ Duy Hoan làm Giám đốc, trụ sở tại tiểu khu công nghiệp Phùng Xá, sử dụng các loại hóa chất công nghiệp độc hại như: Sút, javen, silicat, soda... để tẩy, nhuộm với khối lượng khoảng 3.000kg/ngày...

Công ty Thiên Hoàng Anh và Công ty TNHH Hoàng Tấn Phát đều không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, giấy phép khai thác nước mặt, không nộp phí bảo vệ môi trường.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện 3 đơn vị này đã đục thủng thân đê để đặt ống xả nước thải và đang xả nước thải không qua xử lý ra sông Đáy.

Kết quả kiểm định bước đầu cho thấy, 6/8 mẫu nước thải ở 3 công ty, doanh nghiệp đều vượt tiêu chuẩn về nước thải của Việt Nam nhiều lần.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Thể, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức thừa nhận việc xả thải của các doanh nghiệp tẩy, nhuộm khăn, sợi tại Phùng Xá đang là vấn đề nhức nhối và gây bức xúc cho người dân.

Ông Thể cho biết, cuối năm 2015, Phòng đã tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn xã Phùng Xá và ra các quyết định xử phạt: Công ty TNHH Dệt Toàn Thắng, Công ty TNHH Thiên Hoàng Anh, Công ty Cổ phần Dệt may Trung Thu, mỗi doanh nghiệp 12 triệu đồng.

Cũng theo ông Thể, cụm công nghiệp làng nghề Phùng Xá tồn tại bất cập do trước đây khi xây dựng quy hoạch đã không có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Hiện nay, huyện Mỹ Đức đã đề xuất dự án xử lý nước thải tập trung để giải quyết tình trạng xả thải của các đơn vị xả thải độc hại ra môi trường.

Trong khi đợi chờ dự án xử lý nước thải cho tiểu khu công nghiệp làng nghề Phùng Xá được xây dựng, sông Đáy vẫn đang hàng ngày “kêu cứu” trước thảm họa ô nhiễm nặng nề. Các doanh nghiệp vô tư xả thải hủy hoại môi trường sống còn chính quyền các cấp thì dường như bất lực trước vi phạm ngang nhiên kéo dài suốt nhiều năm qua?

Đông Phong