Vào mùa đào giếng

Vào thời điểm này, hầu hết các giếng đào ở nhiều nơi thuộc các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán của tỉnh Đồng Nai đều đã cạn trơ đáy. Ðể có nước sinh hoạt và sản xuất, nhiều hộ dân buộc phải khoan giếng, chi phí lên đến hàng chục triệu đồng. Những cơ sở khoan giếng ở các địa phương này người dân đến liên hệ “đắt như tôm tươi”.

Từ sau Tết Bính Thân đến nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở khoan giếng Hoàng Minh ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) nhận đặt hàng khoan giếng gần 10 cái, độ sâu từ 70 - 100 mét. Tiền công khoan giếng tùy theo độ sâu và chất đất là từ 150.000 đồng - 180.000 đồng/mét. Tùy vào sự “hên - xui”, có giếng thi công chỉ 3 ngày là xong, song có giếng đào cả tuần vẫn không thấy nước, đành bỏ dở. Chủ cơ sở khoan giếng Hoàng Minh, ông Lê Văn Minh tiết lộ: Mùa khô này, 5 thợ khoan giếng của cơ sở làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm nhưng việc không lúc nào ngớt. “Khách hàng đến đặt lịch khoan giếng dày đặc, mình cũng thấy vui vui, nhưng nghĩ tới tình hình mùa màng thất bát, nước sinh hoạt khan hiếm của bà con, bản thân cũng thấy áy náy với công việc khoan giếng”, ông Minh bộc bạch.

Tại vùng biên giới của tỉnh Bình Phước, tình hình thiếu nước sinh hoạt cũng nghiêm trọng không kém. Về xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh trong thời điểm trung tuần tháng 4, cây cối, vườn tược, thôn ấp đang trở nên hoang tàn vì khô hạn. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ giếng đào ở xã Lộc Hưng đã không còn giọt nước nào; gần 800 hộ dân trong xã đang rất căng thẳng vì thiếu nước sinh hoạt. Hơn tháng qua, 92 hộ gia đình người Khơ-me ở ấp 4 (xã Lộc Hưng) phải mua nước sinh hoạt với giá gần 100.000 đồng/m3. Nếu dùng tiết kiệm hết mức, mỗi hộ dân nơi đây cũng phải mất cả triệu đồng để mua nước sinh hoạt, một chi phí quá lớn nơi vùng nông thôn. “Đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp 4 lúc này khó khăn lắm, ai cũng như ai đều không có nước sinh hoạt. Muốn có nước phải bỏ tiền triệu để mua, trong khi hộ nào cũng nghèo. Bây giờ điều chúng tôi tha thiết nhất là có nước sinh hoạt để dùng”, bà Thị Lan, người dân ở ấp 4, xã Lộc Hưng nói như mếu.

Cùng vào cuộc giúp dân

Đài Khí tượng - Thủy văn Đồng Nai cho biết, mùa khô 2015 - 2016, do ảnh hưởng của El Nino nên thời tiết tại Đồng Nai rất ít mưa, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng diễn ra nhiều hơn. Nắng nóng, ít mưa, dòng chảy kiệt sẽ khiến mặn xâm nhập ngày càng sâu vào trong đất liền. Theo dự báo, độ mặn có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng cao trên sông Đồng Nai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, tính đến giữa tháng 4/2016, toàn tỉnh có 30.217 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 30.264 ha cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán (3.594 ha cây hàng năm, 26.670 ha cây lâu năm)… Ước thiệt hại của đợt hạn hán này là trên 600 tỷ đồng. Theo nhận định, từ khi tái lập tỉnh đến nay, đây là những con số cho thấy sự khốc liệt nhất trong mùa khô ở miền ngược như Bình Phước.
Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho hay, độ mặn xâm nhập vào hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Từ đầu tháng 1/2016, độ mặn đo được tại một số khúc sông thuộc huyện Nhơn Trạch lên đến 5/1.000 và sau đó vào cao điểm mùa khô, mưa ít, nước sông suối cạn dần, mặn càng tăng và lấn sâu. Để hạn chế mặn vào sâu trong đất liền, Sở đã yêu cầu đóng đập Ông Kèo không cho nước vào nhưng lại gây thiếu nước vận chuyển cho người dân canh tác nông nghiệp phía trong. Vì thế, hiện Sở yêu cầu đơn vị thủy lợi phụ trách đập ông Kèo theo dõi chặt tình hình độ mặn trên sông, nếu thấy mặn giảm xuống gần 4/1.000 thì nhanh chóng lấy nước vào. Phương án tăng lượng xả nước từ hồ Trị An về để đẩy mặn không thể diễn ra được, do nước trong hồ hiện đã cạn.

Trước tình hình khô hạn diễn biến phức tạp trên địa bàn, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi tăng cường nhiều giải pháp chống hạn như: Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động nạo vét kênh mương, đào các hố tích nước, sử dụng nước tiết kiệm, tập trung chăm sóc diện tích cây trồng ngắn ngày, che tủ gốc cây, làm giàn che nắng… cho cây trồng; đồng thời điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.

UBND tỉnh Bình Phước cũng làm việc và thống nhất với Nhà máy Thủy điện Cần Đơn mở cống, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp); chỉ đạo đấu nối hệ thống cấp nước tập trung tại xã Tân Hưng (thị xã Bình Long) từ nguồn cấp nước của Nhà máy xi măng Hà Tiên; đưa vào vận hành công trình cấp nước tập trung liên xã Lộc Hưng - Lộc Thái (huyện Lộc Ninh)…

Trước đó, tại buổi làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đã yêu cầu lãnh đạo ngành đốc thúc chủ đầu tư các công trình thủy lợi, cấp nước trên địa bàn tỉnh nhanh chóng hoàn thành những công trình đang thi công, kể cả vận hành tạm để giải quyết nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Hiện tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh Bình Phước đã tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống hạn hán.

Bảo Trâm