Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tương hỗ lẫn nhau giữa các chính sách về thương mại và môi trường; tăng cường bảo vệ môi trường ở mức độ cao và thực thi hiệu quả luật pháp về môi trường; tăng cường năng lực của các Bên để giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến thương mại. 

Do đó, các cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP được đánh giá là cao hơn và nghiêm ngặt hơn so với các cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do trước đây. Tuy nhiên, cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP là khá rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và thuộc chức năng quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TH

Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam nhận thức được việc sớm phê chuẩn Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong Hiệp định TPP, góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết. Đồng thời việc phê chuẩn sớm Hiệp định TPP giúp Việt Nam có đủ thời gian để chuẩn bị và chủ động thực thi Hiệp định khi có hiệu lực. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được dự báo sẽ gặp thách thức rất lớn bởi trình độ nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong 12 quốc gia thành viên, trong khi đó các cam kết của Hiệp định TPP lại cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại đã ký kết trước đây.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực từ các quốc gia thành viên của Hiệp định TPP, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển trong quá trình chuẩn bị và thực thi các cam kết về môi trường. Đồng thời, cũng mong nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình chuẩn bị và thực thi các cam kết về môi trường trong khuôn khổ Hiệp định TPP.

“Thực thi đầy đủ các cam kết môi trường trong Hiệp định TPP là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường bảo đảm hài hòa với chính sách toàn cầu và khu vực; đưa ra các giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ để thúc đẩy tuân thủ và thực thi pháp luật môi trường, từ đó góp phần vào nỗ lực chung trong các hoạt động bảo vệ môi trường của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Susan Sutton, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng rằng TPP là một nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPP sẽ có tác động tốt đối với các mục tiêu chung như: Quản trị tốt để thúc đẩy thương mại công bằng; bảo vệ quyền con người; giảm bớt hải quan; và đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường… Trong đó, TPP bao gồm các tiêu chuẩn môi trường cao nhất của bất kỳ thỏa thuận thương mại trong lịch sử. Chương về Môi trường trong TPP sẽ hỗ trợ việc thực hiện các hiệp định môi trường đa phương và Luật Môi trường quốc gia; giúp loại bỏ các rào cản thương mại đối với các sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường; thiết lập một cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ các bên của TPP về các mối đe dọa xuyên quốc gia và tội phạm môi trường.

“Chúng ta đang có một cơ hội chưa từng có để thúc đẩy bảo tồn và bảo vệ môi trường trong mười hai quốc gia và tác động đến toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách thực hiện các cam kết liên quan đến những thách thức về môi trường như buôn bán động vật hoang dã; khai thác gỗ và đánh bắt cá bất hợp pháp; ô nhiễm biển và đa dạng sinh học… Hội thảo là cơ hội cho Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam có thêm sự hiểu biết sâu sắc về thỏa thuận TPP và xây dựng kế hoạch để thực hiện thay đổi trong chính sách và quy định tại Việt Nam. Thành công trong nỗ lực thực hiện TPP sẽ đảm bảo một môi trường sạch hơn cho người dân Việt Nam”, bà Susan Sutton nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo: Ảnh: TH

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những thuận lợi, thách thức trong quá trình triển khai các cam kết về môi trường trong Hiệp định và giải pháp để tận dụng các cơ hội do Hiệp định mang lại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường trong bối cảnh thực thi Hiệp định cũng như để giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 được Liên hợp quốc thông qua năm 2015.  

TH